1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyện tậu cơ ngơi trăm tỷ của nghệ nhân bonsai Sa Đéc

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Gần 40 năm làm thợ sửa cây cảnh, với ngón nghề độc nhất đó, ông Lộc tậu được 30.000m2 đất ở TP Sa Đéc, sở hữu hàng ngàn chậu cảnh, có những cây trị giá cả chục tỷ đồng.

Những ngày đẹp trời, vườn kiểng (cây cảnh) của ông Nguyễn Phước Lộc (53 tuổi, ngụ tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đón hàng trăm khách ghé thăm. Khu vườn rộng 3ha có hơn 5.000 cây kiểng giá trị.

Đặc biệt nhất, khu vườn của ông Lộc đang trưng bày, chăm sóc 3 tác phẩm gồm bonsai sanh cổ, cặp me cổ và cặp vạn niên tùng cổ đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện tậu cơ ngơi trăm tỷ của nghệ nhân bonsai Sa Đéc - 1

Để có cơ ngơi trăm tỷ, ông Lộc đã chăm chỉ lao động suốt 30 năm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Riêng cặp me được xác lập kỷ lục bonsai cổ nhất Việt Nam năm 2013, có người đã trả 10 tỷ đồng nhưng ông Lộc không bán. Cặp me cao 6m, tán hình nón đường kính 3,5m, thế tứ diện sơn thủy. Ông Lộc đã mất nhiều công sức mới đưa được cặp me về vườn.

"Giá trị nhất trong vườn là cặp me cổ, tôi định giá tròn 1 triệu USD. Nhiều cây tiền tỷ, còn cây có giá từ 10 triệu đồng trở lên thì có trên nghìn gốc", ông Lộc nói.

Ông Lộc chia sẻ, lớn lên trong làng hoa Sa Đéc nổi tiếng, từ bé ông đã quen với việc chăm sóc cây kiểng. Từ năm 16 tuổi, ông Lộc bắt đầu làm công việc của một thợ sửa kiểng chuyên nghiệp, lấy tiền công làm chi phí ăn học.

Chuyện tậu cơ ngơi trăm tỷ của nghệ nhân bonsai Sa Đéc - 2

Cặp me kiểng cổ đã xác lập kỷ lục Việt Nam được ông Lộc định giá tròn 1 triệu USD (Ảnh: Nguyễn Cường).

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học ở TPHCM, dù có cơ hội làm công việc bàn giấy, nhưng tình yêu nghề sửa kiểng đã kéo ông Lộc về quê. Ông Lộc bắt đầu nghiêm túc học nghề sửa kiểng. Không chỉ học nghề từ người quen, học trong tỉnh, ông Lộc còn đi học khắp các vườn trong nước, sang cả Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan để học.

"Nhật Bản có hệ đào tạo đại học chuyên ngành sửa kiểng nên sang đó tôi học được rất nhiều thứ. Làm nghề muốn giỏi phải học, phải giao lưu, phải đầu tư nghiêm túc", ông Lộc nói.

Ngoài cơ sở trưng bày, ông Lộc còn một khu vườn ươm kiểng rộng 2,6ha để tự túc nguồn cây giống. Trong 2 khu vườn có rất nhiều loại kiểng, nhưng phổ biến nhất là vạn niên tùng.

2 khu vườn của ông Lộc đang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng.

Chuyện tậu cơ ngơi trăm tỷ của nghệ nhân bonsai Sa Đéc - 3

Với công sức chăm sóc, cắt tỉa mỗi ngày, một cây vạn niên tùng giống, sau 10 năm có thể mang lại mức giá trị hàng trăm triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Lộc cho biết, một cây vạn niên tùng giống phải chăm sóc khoảng 7 năm, mới bán được tiền triệu. Trong bảy năm đó, ngày nào người trồng cũng phải ngắm nghía, chăm sóc.

"Nếu cứ để cây tự lớn thì giá sẽ không cao, chỉ 5-7 triệu đồng. Muốn cây có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng thì phải bỏ nhiều công sức uốn tỉa.

Dân Sa Đéc có câu "trồng hoa lãi bằng mười trồng lúa, trồng kiểng lãi bằng mười trồng hoa". Nói vậy nhưng không "dễ ăn", để có một cây kiểng giá trị phải rất kỳ công.

Trồng kiểng tính bằng năm, nên tính ra mỗi cây không lời được nhiều. Bù lại, nhà vườn có thể trồng cùng lúc hàng nghìn cây, lấy số lượng bù lại", ông Lộc nói.

Khi được hỏi về giá trị khu vườn kiểng, ông Lộc cười nói "chắc chắn ngoài trăm tỷ". Vị nghệ nhân nói, để được coi là "đại gia bonsai Sa Đéc", trong 30 năm qua, ông đã không ngừng học hỏi, sáng tạo và luôn chăm chỉ làm việc.

Ông Lộc hiện là một trong số ít người làm nghề ở Đồng Tháp được công nhận là nghệ nhân Sinh vật cảnh cấp quốc gia. Với uy tín của mình, ông được bầu và giữ chức Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc nhiều năm nay.