Chuyện tai nghe mắt thấy ở làng trăm năm thái đất tìm sỏi, đóng ra thứ ngói âm dương mĩ miều
Trong cơn mưa của cái rét đầu đông ở huyện Bắc Sơn, nơi vùng biên ải tỉnh Lạng Sơn, mọi thứ dường như trầm lắng, chậm chạp hơn. Nhưng ở làng làm ngói âm dương Tam Canh, xã Bắc Quỳnh, vẫn có những con người cần mẫn làm việc.
...Những bếp lò đỏ lửa để đều đều ra những mẻ ngói âm dương độc đáo.
Làm ngói âm dương - nghề "thái đất tìm sỏi"
Chúng tôi đã đi qua nhiều vùng đất ở đồng mình, từ miền Tây xứ Nghệ, xứ Thanh, đến Tây Bắc như Hà Giang, Yên Bái... Ở đâu, bà con người Thái, người Tày, người Nùng cũng dựng nhà sàn để ở.
Nhưng chúng tôi ấn tượng và thấy đẹp một cách mê hồn là những mái nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng của ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn... Đặc biệt là những ngôi nhà sàn bằng mái ngói âm dương của người Tày - Nùng ở 2 huyện Bắc Sơn và Bình Gia của tỉnh Lạng Sơn.
Những mái nhà sàn của người Tày - Nùng ở Lạng Sơn không hề cầu kỳ, không có "Khau Cút" như mái nhà của người Thái ở Tây Bắc, mà chỉ là hai hàng ngói ống lợp ngửa, úp vào nhau đều chằn chặn.
Chính sự hài hòa sấp - ngửa đó đã tạo nên những mái nhà sàn ấn tượng, có tính mỹ thuật cao, có một không hai ở xứ Lạng.
Để làm ra những viên ngói cong hình ống như vậy, lại có độ bền đến hàng trăm năm, người thợ làng ngói Tam Canh phải cần mẫn suốt cả 1 tháng trời mới ra được một mẻ ngói ưng ý.
Bà Hoàng Thị Hèo (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) năm nay 50 tuổi, nhưng đã có đến 32 năm kinh nghiệm làm ngói âm dương.
Vừa tước từng thớ đất tỉ mỉ như một người thợ kim hoàn, bà Hèo cho biết: "Đồi núi rộng lớn vậy thôi, nhưng không phải đất ở chỗ nào cũng làm được ngói. Phải là đất được khai thác từ chân ruộng ngập nước nhiều năm mới có thể làm ngói âm dương."
Sau khi dọn hết phần rác bẩn, rễ cây lẫn bên trong, đất được mang về xưởng, phơi nắng, rồi tưới nước đến bao giờ cảm nhận được độ dẻo thì cho vào máy trộn.
Trước kia chưa có máy, người thợ phải vừa tước đất vừa giẫm chân, hàng chục lượt như vậy mới cho ra một mẻ đất "nạc" để làm ngói. Nhưng bây giờ có máy rồi, đất được trộn như đánh bê tông, nhuyễn ra đến độ dẻo như bánh giầy, thì đánh đống lại.
Sau đó lại dùng kéo cắt đất tước từng thớ, độ dày từ 3-5cm. Vừa tước vừa nhanh mắt, nhanh tay nhặt sỏi ra khỏi đất.
Người thợ làm dẻo đất trước khi đưa vào khuôn đóng ngói. Ảnh: Gia Tưởng
"Nếu chỉ để sót dù 1 viên sỏi nhỏ thôi, lúc nung sẽ bị nổ hỏng nguyên cả viên ngói. Hay dù ngói không nổ thì khi ngấm nước mưa vào, ngói cũng sẽ bị thủng, gây dột nhà. Cho nên khâu làm đất bao giờ cũng phải đạt đến mức mịn như da em bé, sờ tay vào mát lạnh, không có một chút gợn. Lúc đó, đất mới đạt chuẩn để đưa vào khuôn," bà Hèo cho hay.
Cũng theo bà Hèo, ngày nay đã có máy móc hỗ trợ một số công đoạn, việc làm ngói không cực như trước nữa. Nhưng cơ bản, việc người thợ làm sạch đất bằng thủ công vẫn là yếu tố quyết định đến độ bền và sự hoàn hảo của viên ngói.
Sau khi vượt qua khâu làm sạch đất, người thợ mới đưa đất vào khuôn ép để thành viên ngói mộc, xếp gọn vào hàng đợi phơi khô. Sở dĩ phải phơi khô vì để viên ngói không dính vào nhau lúc thành phẩm, và ngói không bị ám khói, sống dở, chín dở lúc ra lò.
Bà Hèo cho biết thêm, 2 vợ chồng bà cứ túc tắc làm, lúc nào mỏi thì nghỉ, ước chừng cũng đạt ngày công từ 200.000 - 300.000 viên ngói/ngày, tùy thuộc vào mẻ đất khó hay dễ.
Cũng từ làm ngói âm dương mà vợ chồng bà có kinh tế khá giả, nuôi dạy con cái trưởng thành đàng hoàng.
Mở mày mở mặt từ nghề làm ngói âm dương
Anh Hoàng Công Hưng (34 tuổi) là người nối nghiệp đời thứ 4 ở làng ngói Tam Canh. Anh Hưng không những là chủ lò ngói lớn nhất làng ngói Tam Canh, mà hiện còn là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Sơn.
"Vợ mình là nhân viên y tế ở Bệnh viện huyện Bắc Sơn, nhưng hết giờ trực cũng ra xưởng làm đất như những người nông dân khác, có khi còn khỏe hơn vì vừa bế con vừa làm đất. Tuy có vất vả nhưng rất vui vì thấy vợ chồng hiểu và đỡ đần công việc cho nhau," anh Hưng kể.
Kiểm tra ngói trước khi đưa vào lò. Ảnh: Gia Tưởng
Anh Hưng cho biết, nghề làm ngói ở Tam Canh có hàng trăm năm rồi. Đầu tiên, bà con khoét núi để làm lò đốt, phục vụ trong gia đình. Sau đó chuyên môn hóa, người dân Tam Canh mới xây lò nung ngói, bán cho bà con trong vùng.
Lúc ban đầu, lò cũng bé lắm, chỉ khoảng 5.000 viên ngói là nhiều, cho tới đời anh Hưng thì lò đã có thể nung đến được 50.000 viên ngói,
Tuy lò lớn hơn nhưng cách thức nung ngói vẫn như thời các cụ. Ngói được nung trong lò liên tục từ 20 - 25 ngày, và nung hoàn toàn bằng củi chứ không bằng than hay bằng gas như những sản phẩm khác.
Theo anh Hưng, khi ra lò, viên ngói gõ vào nhau phải có tiếng kêu keng keng rất thanh và rất giòn, trên bề mặt viên ngói phải có một lớp phấn trắng mờ thì mới gọi là ngói đạt chuẩn.
Với giá xuất xưởng tại lò là 16 triệu đồng/10.000 viên ngói, trừ công xá đi thì lợi nhuận không được là bao.
Dù vậy, anh Hưng vẫn vui vẻ: "Dịch Covid-19 thế này, bao nhiêu ngành nghề phải đóng cửa thế mà làng ngói Tam Canh ở mình vẫn đỏ lửa đều là tốt lắm rồi. Người nông dân như chúng mình cứ có công việc và sống cần mẫn từ đời này sang đời khác là có tích lũy và khấm khá ngay mà".
Anh Hưng chia sẻ, nghề làm ngói cũng có những lúc thăng trầm. Cách đây độ 30 năm, khi tấm lợp xi măng "tấn công" lên vùng cao miền núi, bà con quay lưng với ngói âm dương. Nhưng chỉ sau 1 thời gian sử dụng, tấm lợp vỡ, mưa thì dột, nắng thì nóng nên bà con lại tìm về với ngói âm dương Tam Canh.
Hàng nghìn ngôi nhà sàn trong vùng bây giờ vẫn còn mái ngói âm dương như một nét đặc trưng văn hóa không thể lẫn vào đâu được.
Ngói âm dương tạo lên vẻ đẹp độc đáo của nhà sàn đồng bào Tày - Nùng xứ Lạng. Ảnh: Gia Tưởng
Anh Hoàng Công Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Sơn cho biết thêm, hiện tại công nghệ thông tin phát triển nên ngói âm dương Tam Canh cũng đã được giới thiệu nhiều trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng.
Đã có nhiều khách hàng ở tận Huế, Hội An, Sa Pa, Sóc Trăng đặt mua ngói âm dương để xây mới hoặc phục chế những mái ngói thời xưa.
"Đa số khách hàng ở tỉnh xa mua ngói qua mạng xã hội, nhưng đều có phản hồi tốt, chưa ai phàn nàn về chất lượng và tính mỹ thuật của ngói âm dương Tam Canh cả," anh Hưng phấn khởi khoe.
Ông Hoàng Văn Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: "Bà con Bắc Sơn chúng tôi may mắn được các cụ ngày xưa để lại cho nghề làm ngói.
Hiện tại đã có định hướng đầu tư chuyên sâu nghề làm ngói theo hướng hàng hóa, nhưng vẫn đảm bảo đúng với ngói truyền thống như xưa, và kết hợp với tham quan du lịch.
Song song với những điều đó là hướng dẫn bà con vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường. Có như vậy phát triển mới bền vững bằng nghề truyền thống được".