Chuyện của những "thành phần dôi dư” nơi công sở
Thử việc, để vượt qua cửa ải ban đầu, để được đặt nốt một bàn chân vào công sở, là điều ai cũng phải trải qua trong quá trình khởi nghiệp… Nhưng cái quá trình 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm của những “thành phần dôi dư” nơi công sở, cũng có nhiều chuyện đáng bàn…
Lân, Thảo, Lan cùng có quyết định vào thử việc ở một cơ quan báo chí. Kinh nghiệm của cả ba đều ít ỏi, nhưng xuất phát điểm của cả ba cũng có những điểm khác biệt rõ rệt.
Lân được một ông chú, bạn của phó tổng biên tập giới thiệu vào. Nhà Lân thuộc dòng cơ bản, bố là giám đốc công ty truyền thông, mẹ là kế toán ngân hàng, nên Lân được mời vào cửa trước, tiền bạc của bố mẹ Lân nối gót vào cửa sau.
Thảo là sinh viên báo chí, cũng có khá nhiều bài viết “có tầm” ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thảo là một cô gái cá tính, xông xáo, nói chung có nhiều tố chất của một người làm báo.
Lan có xuất phát điểm từ nông thôn, nhưng do xinh đẹp, khôn khéo, cô quen được một anh phóng viên gạo cội của báo, rồi được anh dẫn dắt vào đây…
Chỉ sau nửa tháng, Lân đã ra vào các phòng ban “như người nhà”, Lân lăng xăng giúp người này, người khác những việc lặt vặt. Cuộc vui nào mà được các sếp a-lô, Lân có mặt liền, dù tửu lượng có kém, Lân cũng không từ chối bất cứ chén rượu nào các sếp mời, cậu còn là một thành viên biết hoạt náo, mời rượu, lấy lòng các sếp rất giỏi. Vì vậy, chẳng có gì là lạ, khi chỉ sau một tháng, Lân đã chễm chệ được ngồi cùng xe với các sếp về địa phương, đến hội nghị, nhận phong bì, rồi đưa mấy cái tin ngành dọc nhạt nhẽo.
Lan xinh đẹp, có khướu ăn nói, sếp cho Lan vào phòng phóng viên chuyên đề, ngoài định mức tin, bài, Lan còn được giao nhiệm vụ ngoại giao với các doanh nghiệp địa phương, trung ương, viết bài về những doanh nhân, doanh nghiệp làm kinh tế giỏi, mỗi bài PR đó, Lan phải thu được về cho tòa soạn từ vài triệu đến vài chục triệu, tất nhiên, Lan cũng được hưởng mức hoa hồng thỏa đáng từ những hợp đồng bài viết đó.
Thảo lại say sưa lao vào những mảng phóng sự nóng hổi. Bất cứ ở đâu có sự kiện nào mới lạ, hấp dẫn, Thảo đều đến tận nơi thu thập tài liệu để cho ra đời những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Nhiều vụ việc Thảo phải lăn lộn đi viết không kể ngày đêm. Chỉ sau hơn một tháng, Thảo đen nhẻm và rộc rạc đi trông thấy.
Nhưng những tác phẩm đầy ắp tính thời sự của Thảo được đẩy qua đẩy lại, lúc thì “tít không hấp dẫn”, khi lại bởi “sa-po viết lộ quá”, lúc lại bởi chi tiết này, chi tiết khác chưa thỏa đáng. Đẩy qua, đẩy lại, lọt một hai số báo là bài của Thảo “thiều tính thời sự nóng hổi”, lại bị đình lại, thay vào đó là những bài PR của Lan, những tin chứng khoán, ngân hàng, tin khuyến mại của Lân.
Nhiều lần, vì quá bức xúc, Thảo đã bật lại biên tập viên, bởi cô thừa hiểu những bài của cô nếu được gửi sang báo khác sẽ được đăng ngay tắp lự, đằng này nó phải âm thầm xếp xó, hoặc bị những đồng nghiệp khác “mượn ngọt” tác phẩm, chỉnh sửa tí ti để đăng báo khác. Tuy nhiên, những phản kháng của Thảo chỉ khiến cô càng bị ghét, bài của cô càng có lý do để bị loại. Là người mới, lại có tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”, nên Thảo cứ ngậm ngùi nhìn những “đứa con” của cô bị hắt hủi, ghẻ lạnh…
Đấy là ở góc độ công việc. Còn ở góc độ tình cảm với đồng nghiệp, Thảo bị đánh giá là ngông, là kiêu, chỉ vì mỗi buổi trưa cô không chịu khó bỏ thời gian đi ăn cơm trưa cùng các chị cùng phòng, rồi mua sữa chua, hoa quả thết đãi các chị. Thảo cũng không biết cách liến láu, xuýt xoa khen ngợi không tiếc lời các chị đồng nghiệp như Lan, khen chị này có bộ quần áo đẹp, chị kia có mái tóc, đôi giày hợp mốt…
Thảo cứ như người của một hành tinh khác, lạc vào chốn của vui chơi, của những mối quan hệ đẳng cấp. Thảo thấy mình đích thực là một thành phần “dôi dư”, cô càng thấy thấm thía cái sự lạc lõng của mình, khi Lân và Lan vui vẻ đùa tếu góp chuyện cùng các sếp, trong khi Thảo dù rất cố gắng lễ phép với mọi người mà chẳng ai để ý đến sự có mặt của cô…
Thảo thật sự thấy thất vọng. Những cố gắng cô dành cho công việc, những giọt mồ hôi và nước mắt cô đổ ra để viết được những tác phẩm đầy ắp hơi thở cuộc sống, không được đánh giá đúng mực, vì những tác phẩm lĩnh nhuận bút của cô chỉ làm hao hụt túi tiền của sếp, chứ đâu như những bài PR của Lan, của Lân, luôn làm cho túi tiền của sếp rủng rỉnh thêm?
Ở cơ quan này, Thảo cũng không có nhiều cơ hội để được chia sẻ những nụ cười chân thật xuất phát tự đáy lòng. Cô muốn dứt áo ra đi, nhưng nhìn ánh mắt và nụ cười tự mãn của Lan và Lân, Thảo lại muốn ở lại. Ở lại để khẳng định mình, để đàng hoàng đi vào cửa trước của tòa soạn bằng năng lực và nhiệt huyết của một người cầm bút. Nhưng, ai sẽ cho Thảo cơ hội? Cô sẽ phải tiếp tục “đứng một chân” ở tòa soạn này thêm mấy “quá trình 3 tháng” nữa?