Chuông điện thoại - cái gai trong mắt người phỏng vấn

Một thực tế hiện nay nhiều ứng viên mắc phải là cứ hồn nhiên để điện thoại reo toáng lên ngay khi nhà tuyển dụng đang tập trung phỏng vấn.

Điện thoại di động ngày nay đã trở nên phổ biến đến nỗi đi đâu người ta cũng kè kè mang theo nó như một vật bất ly thân. Thế nhưng, với các ứng viên đang muốn tìm việc làm, khi tham gia phỏng vấn, những hồi chuông điện thoại, tiếp bíp bíp báo tin nhắn nhiều khi lại là trở ngại. Cách tốt nhất là nên để điện thoại di động ở nhà hoặc tắt hẳn máy khi bước vào phòng phỏng vấn.

 

Câu chuyện của một người đã từng mắc lỗi này kể lại như sau: "Sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, vất vả rải hồ sơ khắp nơi, cuối cùng tôi được một công ty gọi phỏng vấn. Công ty này đưa ra mức lương rất cao với rất nhiều quyền lợi nên tôi rất hào hứng và đặt nhiều hy vọng. Nhưng thật không ngờ, chỉ vì một lý do lãng xẹt mà mọi hy vọng tan thành mây khói.

 

Khi cuộc phỏng vấn đang diễn ra tốt đẹp, đột nhiên, điện thoại trong túi tôi đổ chuông liên hồi. Nhất nữa, lúc ấy có một người trong ban phỏng vấn đang nêu câu hỏi dở chừng. Thực sự, chưa bao giờ ở vào tình huống này nên tôi cũng không biết nên xử sự ra sao. Tôi trở nên luống cuống, vụng về và phải mất đến 20 giây sau mới tắt được chuông điện thoại. Tất nhiên, tôi đã có lời xin lỗi chân thành nhưng dù sao, vẻ khó chịu cũng hiện rõ trên khuôn mặt các nhà tuyển dụng, đặc biệt là một chị phụ trách nhân sự cũng khá lớn tuổi. Trong chốc lát, tôi thây mình thật ngốc nghếch khi nhận ra rằng, thật khó để quay trở lại cuộc phỏng vấn tập trung và suôn sẻ như trước được. Tôi rời khỏi buổi phỏng vấn đó và không có thêm lời hẹn hay bất cứ sự hồi âm nào để tiếp tục vào vòng trong.

 

Vì thế, tốt nhất các ứng viên đừng mang theo điện thoại di động khi bước vào cuộc phỏng vấn. Nhiều nhà tuyển dụng cũng đưa ra lời khuyên như vậy đối với các ứng viên bởi họ cho rằng, việc mang theo điện thoại khiến nhà tuyển dụng cảm thấy thái độ của bạn có gì đó thiếu nghiêm túc rồi chứ đừng nói đến việc điện thoại đổ chuông. Hơn nữa, dù chỉ là tiếng chuông báo có tin nhắn cũng đủ làm cho người phỏng vấn cảm thấy bị phân tâm, không thể toàn tâm toàn ý và công việc dễ bị gián đoạn.

 

Chris Laggini, PGĐ phụ trách nhân sự của DLT Solution cho rằng: "Mang theo hoặc sử dụng điện thoại khi phỏng vấn chỉ khiến nhà tuyển dụng cảm giác bạn đang thiếu tôn trọng họ. Hơn thế, nhiều khả năng họ sẽ nghĩ rằng, bạn cũng sẽ thường xuyên dùng điện thoại trong giờ làm việc mà thôi. Tất nhiên, chẳng ai muốn có những nhân viên suốt ngày chỉ biết buôn chuyện điện thoại mà thiếu tập trung vào công việc".

 

Laggini cũng gợi ý rằng, trong trường hợp đặc biệt, nghĩa là bạn đang phải đợi cuộc gọi từ ai đó, hoặc bắt buộc phải kết nối điện thoại trong một khoảng thời gian có thể sẽ rơi trúng vào lúc đang phỏng vấn. Khi đó, bạn nên trao đổi trước và xin ý kiến của nhà tuyển dụng.

 

Còn với Sue Thompson, một nhà tư vấn nghề nghiệp và là người sáng lập tổ chức Set Life Free Seminars khuyên rằng, nếu không muốn mọi việc gián đoạn, tốt nhất là trước khi chính thức vào buổi phỏng vấn,bạn hãy dùng tin nhắn thoại và để lại lời nhắn cho những ai sắp gọi tới với nội dung: "Tôi đang có một cuộc họp quan trọng. Tôi sẽ gọi lại cho bạn sau". Sau đó hãy tắt hẳn máy để cuộc phỏng vấn không bị gián đoạn.

 

Nếu trường hợp không may mắn là bạn quên tắt điện thoại, hãy nhẹ nhàng nói lời xin lỗi và nhanh chóng tắt đi. Sau đó, quay trở lại với cuộc phỏng vấn một cách thật tự nhiên.

 

Theo Hải Như
Zing