1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chưa kịp vui khi du lịch phục hồi, doanh nghiệp đối diện nỗi lo mới

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoạt động du lịch, Quảng Bình nhanh chóng kích cầu và có những tín hiệu tích cực. Khó khăn nhất với nhiều doanh nghiệp du lịch lúc này là thiếu hụt lao động.

"Đỏ mắt" tìm lao động

Sau thời gian dài trầm lắng do đại dịch Covid-19, thời gian qua, các tuyến, điểm du lịch tại Quảng Bình đã rộn rã trở lại khi lượng du khách ngày một đông. Chỉ tính riêng trong một tuần vừa qua, đã có trên 30.000 lượt khách đến với Quảng Bình. Những thông tin tích cực thắp lên hy vọng về sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch sau những ngày tháng ảm đạm.

Chưa kịp vui khi du lịch phục hồi, doanh nghiệp đối diện nỗi lo mới - 1

Du lịch Quảng Bình đã khởi sắc trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, khi du lịch dần phục hồi, các doanh nghiệp khai thác du lịch, dịch vụ tại Quảng Bình lại rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính khiến ngành du lịch Quảng Bình thiếu hụt nhân lực là do lĩnh vực này "đóng băng" suốt thời gian dài, nhiều lao động đã quyết định chuyển đổi nghề.

Tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, sau các điểm du lịch nổi tiếng, hệ thống nhà hàng, trạm dừng nghỉ được rất nhiều du khách lựa chọn để ăn uống, nghỉ ngơi. Một nhà hàng mới hoạt động trở lại chia sẻ, cái khó không phải là xây dựng thương hiệu, điểm đến trong lòng du khách mà là vấn đề nhân sự.

Chưa kịp vui khi du lịch phục hồi, doanh nghiệp đối diện nỗi lo mới - 2

Nhiều điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Quảng Bình đang thiếu hụt nguồn lao động.

Theo ông Lê Lợi, chủ nhà hàng HaVa, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hầu hết nhân viên phục vụ của điểm tham quan, nhà hàng phải nghỉ việc. Khi du lịch tái khởi động thì khâu tuyển dụng hướng dẫn viên, đầu bếp, phục vụ bàn rất khó khăn. Dù yêu cầu tuyển dụng đặt ra không phải quá cao nhưng đến nay, nhà hàng vẫn phải tìm người "đỏ mắt".

"Gần đây, lượng du khách đến với Quảng Bình đã tăng lên đáng kể, điều đó đòi hỏi các điểm du lịch hay các nhà hàng ăn uống như chúng tôi phải tăng nhân sự để phục vụ. Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, tìm lao động phổ thông đã khó, chưa nói đến người có tay nghề như đầu bếp hay hướng dẫn viên", ông Lợi nói.

Chưa kịp vui khi du lịch phục hồi, doanh nghiệp đối diện nỗi lo mới - 3

Để thích nghi, một số doanh nghiệp du lịch Quảng Bình không chỉ tuyển dụng nhân sự khung mà còn tìm cả các nhân sự thời vụ.

Tình trạng thiếu lao động cũng đang xảy ra với rất nhiều khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Một khách sạn 4 sao tại thành phố Đồng Hới hiện tại đang cảnh "đau đầu" vì chưa tìm đủ lao động, trong khi đó mùa du lịch mới đã chính thức bắt đầu.

"Do dịch nên chúng tôi phải cắt giảm nhân sự, nhiều lao động cũng xin chuyển nghề. Do đó, khi du lịch mở cửa, khởi sắc hơn thì chúng tôi lại lâm vào cảnh thiếu người. Việc tuyển thêm nhân viên phục vụ cho gần 100 phòng khách sạn thời điểm này là rất khó khăn, dù đã chi trả mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn rất khó tìm người", chủ khách sạn cho hay.

Thiếu hụt lao động có chuyên môn

Để thích nghi, một số doanh nghiệp du lịch Quảng Bình ngoài tuyển dụng nhân sự khung còn tìm thêm lao động thời vụ, trong đó có hình thức hợp đồng ngắn hạn với các cộng tác viên, sinh viên, học sinh ngành du lịch. Đội ngũ này sẵn có nhưng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế.

"Do dịch covid-19 nên số lượng nhân viên tại điểm du lịch của chúng tôi xin nghỉ việc, cắt giảm gần một nửa. Giờ du lịch khởi sắc hơn, với lượng khách như hiện tại, chúng tôi phải cần thêm khoảng 30 lao động nữa. Tuy nhiên, việc tuyển dụng thời điểm này rất khó", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quản lý điểm du lịch Sông Chày - Hang Tối chia sẻ.

Chưa kịp vui khi du lịch phục hồi, doanh nghiệp đối diện nỗi lo mới - 4

Vấn đề nhân sự đang khiến nhiều đơn vị khai thác du lịch, dịch vụ "đau đầu".

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, hiện ngành du lịch tỉnh này có hơn 10.000 lao động trực tiếp và gần 15.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trong lĩnh vực lưu trú du lịch chiếm chủ yếu, với hơn 4.000 người. Tiếp đến là lực lượng lao động làm việc tại các khu, tuyến, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Trong số này, có đến 30% lao động chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.

Chưa kịp vui khi du lịch phục hồi, doanh nghiệp đối diện nỗi lo mới - 5

Du lịch mở cửa trở lại, Quảng Bình đang thiếu lao động có chuyên môn ở ngành kinh tế mũi nhọn này.

Ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nhân lực du lịch trong tỉnh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch…

"Nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng, trình độ ngoại ngữ chưa cao. Hiện Sở Du lịch đang phối hợp với các đơn vị để đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lao động. Đây là điều kiện quan trọng để nâng tầm du lịch Quảng Bình", ông Lực cho hay.