Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi

Thúy Diễm

(Dân trí) - Một trong những vấn đề trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số là giải quyết các vấn đề đất đai, đầu tư dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú trọng nâng cao đời sống 

Ngày 13/1, tại Đắk Lắk đã diễn ra Hội thảo "Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung".

Hội thảo do Hội đồng Dân tộc - Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp Ủy Ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp cùng Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức. Chương trình do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì.

Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi - 1

Phó Chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Theo Hội đồng dân tộc Quốc hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nước ta chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên và 1/3 dân số cả nước, trong đó có hơn 14 triệu đồng bào DTTS.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và bố trí nhiều nguồn lực để phát triển KT-XH, làm thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên.

So với mặt bằng chung, vùng DTTS&MN hiện vẫn tồn tại các khó khăn: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; KT-XH phát triển chậm nhất; Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất.

Tổng nguồn vốn mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2015 - 2020 là 137.664 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực Quốc Hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, vùng đồng bào DTTS&MN đã có những bước phát triển ổn định, đời sống được nâng lên, song vẫn là vùng còn nhiều khó khăn nhất.

Trong văn kiện đại hội đảng qua các thời kỳ đều thống nhất nguyên tắc quan tâm, phát triển vùng đồng bào DTTS và Nghị quyết 88 của Quốc hội sẽ tạo bước ngoặt lớn trong phát triển vùng DTTS miền núi.

Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi - 2

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại chương trình

"Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng thảo luận tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Cần giải quyết vấn đề đất đai, ưu tiên đất sản xuất, tập trung giao rừng, khoán rừng để đồng bào có nguồn thu nhập, làm tốt công tác định canh, định cư ổn định đời sống đồng bào DTTS tại chỗ, phát huy tinh thần tự lực của người dân. Khuyến khích đầu tư dạy nghề nâng cao nguồn năng lực, tăng cường đầu tư hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý các chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảo đồng bào DTTS được khám, chữa bệnh miễn phí, chú ý sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số; Bảo đảm quốc phòng an ninh, tiếp tục thực hiện các chính sách tôn giáo dân tộc, tăng cường thông tin tuyên truyền và đối ngoại, đảm bảo an ninh biên giới…

Đồng thời, từng bước chuẩn bị và chuẩn hóa cán bộ công chức, đảm bảo tỉ lệ cán bộ người DTTS, quy hoạch tạo nguồn cán bộ DTTS.

Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi - 3

Phó Chủ tịch thường trực Tòng Thị Phóng đề cao việc phát triển vùng DTTS&MN gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề cao việc văn hóa độc đáo Tây Nguyên phải được giữ gìn, phát huy và có trách nhiệm cùng đồng bào Tây Nguyên giữ gìn những giá trị văn hóa không gian văn hóa cồng chiêng…

Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, bàn giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống được triển khai hiệu quả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

"Tăng trưởng kinh tế là chìa khóa thoát nghèo"

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,43%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm.

Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi - 4

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu về công tác giảm nghèo

Đối với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên tỷ lệ giảm nghèo ở đã giảm từ 17,4% (đầu kỳ năm 2015) xuống còn dưới 7% (cuối kỳ năm 2020). Riêng 8 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung: Tỷ lệ giảm nghèo ở đã giảm từ 11,93% (đầu kỳ năm 2015) xuống còn dưới 4% (cuối kỳ năm 2020).

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cơ sở hạ tầng KT-XH thiết yếu, liên kết vùng nghèo đã được ưu tiên từng bước đầu tư, đã cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn.

Thu nhập bình quân của người nghèo tăng hơn 2 lần giai đoạn 2016 - 2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao (bình quân trên 4%/năm), nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước; nhiều người vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi - 5

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao tặng hỗ trợ tới người nghèo DTTS tại 15 tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Cũng theo Bộ trưởng, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đến năm 2030.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tổng kết có 3 giải pháp căn bản để thoát nghèo: Thứ nhất là buộc tăng trưởng kinh tế vì "tăng trưởng kinh tế là chìa khóa thoát nghèo"; Giải pháp thứ hai là thực hiện chủ trương đề nghị các địa phương tách toàn bộ những hộ không có khả năng thoát nghèo (người già, người tàn tật, neo đơn ...) chuyển sang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Giải pháp thứ ba là dùng giải pháp phân công vùng/người giàu giúp đỡ vùng/người nghèo, đề nghị nghiên cứu áp dụng từng địa phương cho phù hợp.

Chú trọng đầu tư dạy nghề giúp đồng bào dân tộc miền núi - 6

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng kinh phí tới người nghèo DTTS tại Tây Nguyên và duyên hải miền Trung

Bộ trưởng cũng đề nghị trước mắt các chính sách, giảm nghèo, BHXH, BHYT, giảm học phí… đối với các hộ nghèo đang hưởng ở năm 2020, sẽ tiếp tục được hưởng chính sách này từ 01/01/2021.

Trong năm 2021, các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, hải đảo, các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hưởng các chính sách giảm nghèo như hiện tại.

"Tôi hy vọng, các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên chăm lo rất tốt cho người nghèo, người có công và đồng bào DTTS trong Tết này không để ai bị đói. Đặc biệt, ai cũng có Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi và an toàn", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Kết thúc Hội thảo, Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Bộ LĐ-TB&XH cùng Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã trao tổng số tiền trên 14 tỷ đồng tới người nghèo DTTS&MN của 15 tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.