Chủ tiệm hoa "toát mồ hôi" khi khách đặt hoa tiền trăm triệu/bó
(Dân trí) - Khách đặt bó hoa kết bằng tiền mặt, chủ cửa hàng hoa không chỉ dành thời gian lớn để hoàn thành mà còn mất ăn, mất ngủ ngồi canh... 50 triệu, phòng "đạo chích".
"Hoa tiền" bởi được kết chủ yếu từ tiền mặt, đủ mệnh giá theo yêu cầu của khách. Mỗi bó hoa, riêng phần "nguyên liệu" có khi lên tới 30-50 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, chưa kể tiền công và phụ kiện đi kèm.
Vào dịp 8/3 năm nay, tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), cư dân mạng xuýt xoa về bó hoa tổng trị giá 102 triệu đồng tặng mẹ. Chị em cũng vừa được một phen ghen tị khi người phụ nữ tại thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An) được chồng tặng bó hoa kết bằng 200 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng.
Trong khi dư luận trầm trồ, sôi sùng sục trước những bó hoa siêu giá trị như thế thì với chị Nguyễn Hoàng Oanh, chủ một cửa hàng hoa tại Nghệ An, những đơn hàng như vậy thực sự là một nỗi ám ảnh.
"Không phải năm nay mới bùng nổ việc anh em tặng người phụ nữ của mình những bó hoa bằng tiền mặt trị giá hàng chục triệu mà trào lưu này đã nở rộ từ năm 2020. Có khách đặt bó hoa với mệnh giá tiền lớn 200, 500 nghìn đồng, có khách kinh tế eo hẹp hơn nhưng mong muốn tạo ấn tượng đặc biệt với bạn gái hay mẹ thì cũng đặt hoa kết bằng những tờ tiền mệnh giá 10, 20 nghìn đồng.
Tiền công cho việc kết bó hoa đồng tiền dao động từ 200-500 nghìn/bó, tùy độ to, nhỏ cũng như các phụ kiện khách yêu cầu kèm theo. Chúng tôi phải từ chối bớt vì làm không xuể", chị Oanh kể.
8/3 cũng là dịp duy nhất trong năm chị Oanh nhận kết hoa bằng tiền.
"Việc kết như thế nào tùy thuộc vào kỹ thuật và thẩm mỹ, sự khéo léo của người thợ nhưng tờ tiền sau khi tạo hình phải sử dụng băng dính để cố định lại sau đó tiếp tục cố định hoa vào một thanh tre nhỏ. Việc này yêu cầu phải tỉ mẩn và rất mất thời gian, tính ra gấp 4-5 lần so với cắm một bó hoa tươi", chị Hoàng Vân - một thợ cắm hoa tại Nghệ An lí giải.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do khiến thợ cắm hoa e ngại khi nhận kết hoa bằng tiền mà phần chính là vì những rủi ro có thể phải đối mặt. Thực tế đã có những vụ lừa đảo xung quanh chuyện hoa tiền này.
Vào dịp 20/10 năm ngoái, một chủ cửa hàng hoa ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế được một vị khách đặt làm bó hoa bằng 50 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng để "tặng mẹ đang cách ly", thanh toán toàn bộ giá trị bó hoa và tiền công sau khi nhận hàng. Tuy nhiên, khi đi giao hàng cho khách, người chủ shop hoa đã bị khách chiếm đoạt.
"Những giao dịch này mình phải nắm đằng chuôi, tức là khách chuyển tiền rồi mình mới kết, chứ không thể ứng trước tiền của mình để làm, rủi ro rất cao, nặng thì bị chiếm đoạt, nhẹ thì lâm vào cảnh phải đi đòi nợ", chị Oanh tiết lộ.
Kể cả khi khách chuyển khoản tiền trước rồi thì cũng không phải là không có rủi ro. Từ khi đưa vật liệu đến khi hoàn thành và chờ giao cho khách, chủ và thợ cắm hoa phải căng đầu để... canh tiền. Nhất là khi hoa đã kết xong, đặt trên kệ, chỉ cần một giây lơ là, kẻ gian trà trộn vào cửa hàng cuỗm mất, dù chỉ một vài "bông hoa" là cũng thiệt hại bằng cả mấy mùa lễ. Thậm chí, có hôm khách bận chưa đến nhận được, chị Oanh phải mang hoa về nhà cất. Khi bàn giao hoa, khách và chủ lại phải ngồi tỉ mẩn đếm từng "bông" để đảm bảo số lượng tờ tiền đã sử dụng như thỏa thuận.
"Chưa xét đến việc sử dụng tiền để kết hoa có vi phạm quy định của pháp luật hay không, cá nhân tôi không tán thành lắm việc dùng tiền để kết hoa. Vì phải dán cố định nên người được tặng hoa tiền cũng mất thời gian để gỡ từng "bông" ra, không cẩn thận còn làm rách cả tiền nữa" - chị Oanh bày tỏ.
Theo bà chủ shop hoa, nếu dự định tặng quà 8/3 ở mức vài chục triệu đồng hoặc nhiều hơn thì có thể mua hiện vật hoặc tặng luôn "phong bao lì xì" cùng với một bó hoa tươi xinh xắn thì giản tiện, ít phô trương hơn.