Chủ tịch Cà Mau: Khâu tuyển dụng có nhiều quy định chặt chẽ hơn trước

(Dân trí) - Nói về đề án đưa trí thức trẻ về công tác ở nông thôn, Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho rằng, do có những quy định mới về tuyển dụng biên chế, nên không phải tỉnh thực hiện đề án này theo kiểu “trồng cây đến lúc ăn trái rồi lại chặt bỏ”.

Đề án tuyển dụng, đào tạo, đưa trí trí thức trẻ về làm việc ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành ngày 4/5/2012. Đến nay, đề án này đã qua 3 đợt tuyển chọn, có gần 200 trí thức trẻ về công tác tại cơ sở.

Trong đó, có hơn 60 trí thức trẻ (đợt 1) đã kết thúc hợp đồng vào tháng 4/2018 sau 5 năm công tác.

Tuy nhiên, những chính sách chế độ, tuyển dụng sau khi công tác xong tại cơ sở đã khiến cho nhiều trí thức trẻ băn khoăn, như khó vào được biên chế cơ quan nhà nước...Vấn đề này đã được đại biểu truy vấn UBND tỉnh Cà Mau tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Cà Mau vừa diễn ra mới đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải. (Ảnh: TH-CM)
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải. (Ảnh: TH-CM)

Giải đáp thắc mắc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, khi thực hiện đề án, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng đề án, trình HĐND tỉnh ban hành những chính sách đối với trí thức trẻ về công tác ở nông thôn.

Thời điểm đó, các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy trong các cơ quan nhà nước, các quy định về biên chế, về tuyển dụng công chức, viên chức khác so với thời điểm hiện nay.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, một số mục tiêu trong đề án đã đặt ra nhưng hiện nay tỉnh không thực hiện được do các quy định mới. Trong đó có quy định về tổ chức bộ máy, siết chặt biên chế, siết chặt các tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng. Tỉnh Cà Mau cũng phải chấp hành các quy định này của Trung ương.

“Ban chỉ đạo đề án cũng đã có đánh giá, để tìm quyền lợi cho các trí thức trẻ về nông thôn, nhưng cũng không thể làm trái các quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Tiến Hải nói.

Theo Chủ tịch tỉnh Cà Mau, thời điểm trước đề án, sau thời gian các trí thức trẻ công tác ở nông thôn thì có thể xét tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế xét tuyển dụng biên chế không còn được nữa, mà phải qua thi tuyển.

“Muốn thi tuyển vào các vị trí biên chế của nhà nước thì phải đảm bảo các điều kiện theo vị trí việc làm, chứ không phải ai muốn thi vào vị trí nào cũng được. Thêm nữa là phải có biên chế, trong khi đó chủ trương của Đảng, Nhà nước là thực hiện tinh giản biên chế, là ra 2 vào 1. Hàng năm biên chế công chức và viên chức năm nào cũng giảm. Hầu như khâu tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước hiện nay rất là khó, không có biên chế để tuyển dụng”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Các trí thức trẻ bây giờ làm việc ở nông thôn xong muốn vào các vị trí công chức nhà nước thì đều phải qua thi tuyển. Kết quả thi đạt yêu cầu mới được tuyển. “Có những vị trí cần tuyển nhưng khi thi tuyển thì lại không đủ, lý do người thi tuyển không trúng. Chúng ta phải chịu thôi, không thể nào làm khác được”, ông Hải nêu quan điểm.

Do những khó khăn trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho rằng, không phải đề án mà Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành ra rồi thực hiện theo kiểu ban đầu thì "trống mõ rùm beng, khúc sau thì im re"; cũng không phải theo kiểu "trồng cây đến lúc ăn trái rồi lại chặt bỏ".

Huỳnh Hải