1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ tịch Cà Mau: “Cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn đóng BHXH”

(Dân trí) - “Sau khi xử phạt hành chính, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện mà tiếp tục vi phạm thì đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo Luật Hình sự về tội gian lận trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu quyết liệt.

Tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp cuối năm 2018) của HĐND tỉnh Cà Mau khóa 9 vừa diễn ra, theo phản ánh của đại biểu HĐND, nợ đọng BHXH của các DN trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn nhiều và tăng lên. Vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao, giải quyết thế nào?

Theo đó, một báo cáo vừa qua của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2017, số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau là hơn 100 tỷ đồng. Trong tổng số nợ BHXH 68,94 tỷ đồng, có đến 58,66 tỷ đồng nợ BHXH của doanh nghiệp (DN).

Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó có doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó có doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Phải đóng đúng, đóng đủ, đóng kịp thời

Nhận định về việc thực hiện pháp luật BHXH, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, hiện nay đã có Luật BHXH quy định đầy đủ trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ,… của người đóng BHXH, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn,…

Theo đó, người lao động phải đóng BHXH, còn người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động. “Đóng ở đây là đóng đúng, đóng đủ, đóng kịp thời, chứ không phải đóng một phần, còn không đóng như thế thì coi như anh vi phạm”, ông Hải nói rõ.

Cơ quan BHXH có trách nhiệm theo dõi việc đóng BHXH và quản lý Quỹ BHXH, thực hiện các chính sách BHXH cho từng đối tượng theo quy định pháp luật. Nếu phát hiện người nào, đơn vị nào không đóng BHXH, thì cơ quan BHXH phải lên tiếng, đôn đốc, nhắc nhở, phản ánh đến cơ quan quản lý Nhà nước là Sở LĐ-TB&XH, tổ chức Công đoàn là Liên đoàn Lao động tỉnh, địa phương là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động.

“Liên đoàn Lao động phải chỉ đạo các Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp đó lên tiếng yêu cầu người chủ sử dụng lao động là phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu yêu cầu như thế mà vẫn chưa thực hiện thì cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền đề nghị Sở Lao động thực hiện việc thanh tra theo quy định của pháp luật”, ông Hải nêu rõ.

Theo Chủ tịch tỉnh Cà Mau, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH có quyền thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của các DN. Nếu quá trình thanh tra phát hiện vi phạm thì có quyền xử lý, xử phạt hành chính theo quy định pháp luật trên lĩnh vực BHXH, BHYT.

“Cái này đã có quy định hết rồi, Chánh Thanh tra Sở Lao động phải thanh tra và phải xử lý. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, còn phải yêu cầu nơi chưa đóng bảo hiểm xã hội phải đóng đủ và đóng cả phần lãi do nộp chậm”, ông Hải yêu cầu.

Cố tình không thực hiện thì chuyển sang xử lý hình sự

Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải cho biết, theo quy định, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH được quyền ra quyết định xử phạt bằng 50% mức phạt đối với hành vi không đóng BHXH, có thể phạt đến 35 triệu đồng. Nếu vượt hơn nữa thì thuộc thẩm quyền xử lý xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh. Lúc này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phải lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với cơ sở đó. Chủ tịch tỉnh có thể xử phạt đến 150 triệu đồng.

Ngoài ra, để thực hiện các quyết định xử phạt hành chính thì còn có biện pháp cưỡng chế nếu như nơi đó không tự giác nộp phạt. Theo quy định pháp luật, khi có yêu cầu của người ra quyết định xử phạt hành chính thì ngân hàng, kho bạc, các tổ chức tín dụng quản lý tiền gửi của các DN trích tiền gửi đó để nộp BHXH, kể cả tiền phạt và tiền lãi.

“Sau khi xử phạt hành chính, nếu anh không thực hiện mà tiếp tục vi phạm thì cơ quan Bảo hiểm xã hội, quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn có quyền yêu cầu chuyển hồ sơ của doanh nghiệp đó sang Cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố xử lý theo quy định pháp luật tại Điều 214 của Luật Hình sự về tội gian lận trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, ông Hải yêu cầu quyết liệt

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: Pháp luật đã quy định thì cứ thế mà thực hiện cho tốt, cho nghiêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải:" Pháp luật đã quy định thì cứ thế mà thực hiện cho tốt, cho nghiêm".

Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho rằng, pháp luật đã quy định rõ thì vấn đề còn lại là thời gian qua chúng ta có thực hiện đúng quy định đó chưa, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan chưa. Ông Hải đề nghị các cơ quan liên quan phải xem lại và yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội rà soát cụ thể những DN nào thiếu, thiếu bao lâu, thiếu bao nhiêu, có văn bản đôn đốc nhắc nhở gì chưa. Trên cơ sở hồ sơ đó, chuyển cho Sở Lao động, Công đoàn tiếp tục xử lý.

“Chứ không phải mình cứ ngồi đó nói chung chung như cơ quan Bảo hiểm xã hội nói doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia thiếu nợ tôi, mà thiếu nợ thì anh phải làm sao chứ cứ la lên thì đâu có được. Do đó, các cơ quan liên quan cần phải thực hiện lại cho tốt, cho nghiêm, làm thế nào mà những việc đó phải đúng quy định của pháp luật”, ông Hải yêu cầu.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các DN, các chủ sử dụng lao động phải chấp hành nghiêm nghĩa vụ của mình trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo đúng quy định. “Đây là những quy định của pháp luật thì anh không thể nào không thực hiện. Tôi đề nghị chủ các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện nghiêm các quy định về vấn đề này”, ông Nguyễn Tiến Hải quyết liệt.

Huỳnh Hải