1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chọn “giờ tốt” để bán ý tưởng cho sếp

Bạn đã trằn trọc bao đêm mới tìm ra giải pháp tối ưu cho dự án mới của công ty. Và... Euréka! Phát hiện ra rồi. Bạn chỉ muốn “bay” đến ngay để trình với sếp. Đừng vội vàng, chờ “giờ G” đã!

Nếu đó mới chỉ là một ý tưởng mới nhen nhóm trong đầu bạn, chắc gì bạn đã trình bày lưu loát được với sếp. Hãy chắc chắn 80% sự thành công trước khi có ý định khoe sếp.

 

Sếp rất bận bịu, vì thế đừng bắt sếp phải nghe mọi ý tưởng của bạn. Hãy cứ “câu” ý tưởng cho mình, tích lũy để làm giàu bản thân và khi thời cơ chín muồi mới “nổ”. Khi đó, bạn sẽ khiến cả sếp lẫn đồng nghiệp phải ngỡ ngàng.

 

Trong số vô vàn điều bạn đang nung nấu, hãy chọn lấy vài ý tưởng tối ưu nhất, có lợi cho sếp nhất để báo cáo. Chắc chắn sếp không thể thờ ơ với những thứ bạn dành tặng cho sếp.

 

Bạn cần trình bày một dàn ý rõ ràng về ý tưởng của mình ra giấy dưới dạng ghi nhớ nhằm gởi lại cho sếp sau khi kết thúc buổi trao đổi. Thường thì sếp luôn hứa: “Tôi sẽ xem xét ý kiến của anh/chị về vấn đề này” nhưng rất có thể sếp sẽ quên. Bản ghi nhớ của bạn “bắt” sếp phải lưu tâm đến nó.

 

Trong phần trình bày ý tưởng, phần quan trọng nhất là phần bạn viết về những lợi ích mà ý tưởng của bạn mang lại. Nếu có thể, hãy minh họa cụ thể bằng những con số hoặc bảng biểu rõ ràng. Ví dụ, nếu bạn mở đầu: “Chúng ta có thể nhìn thấy chi phí sẽ được cắt giảm vào năm tới nếu thực hiện các biện pháp này”, sếp sẽ không lưu tâm bằng câu: “Thực hiện các biện pháp này, chúng ta có thể cắt giảm 20% chi phí trong năm tới”.

 

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, hãy chọn một “giờ tốt” để trình bày với sếp. Trong cuộc nói chuyện, bạn nên trình bày vấn đề một cách tự tin và nhiệt tình. Hãy cố gắng lôi sếp vào mối quan tâm của bạn, bắt sếp phải “xung trận” cùng bạn. Thỉnh thoảng hãy dừng lại và nhắc sếp đưa ra lời nhận xét. Đó là cách để bạn chắc chắn rằng từ nãy đến giờ sếp không hề bỏ ngoài tai.

 

Một người thuyết phục khéo sẽ để lại cảm giác nơi sếp: “Hắn có ý tưởng ban đầu tốt đấy, nhưng mình cũng góp ý khá đấy chứ”. Đây là một tình huống “Win-Win” (mọi người cùng thắng, hay đôi bên cùng có lợi).

 

Đừng quên mang bút và sổ để ghi nhận lại các ý kiến của sếp. Sau đó, kết hợp góp ý của sếp với ý tưởng của mình để cho ra một sản phẩm cuối cùng tốt nhất. Thống nhất với sếp thời gian và cách thức thực hiện ý tưởng, đưa nó vào thực tiễn.

 

Áp dụng ý tưởng là cách tốt nhất để biến những cố gắng của bạn thành cơ hội thăng tiến.

 

Theo JobVN/NetViet