Chơi ra... tiền

Khi mới bắt đầu gắn bó với graffiti, những writer (người vẽ graffiti) không dám nghĩ có ngày mình có thể “ngẩng cao đầu” mang bình xịt đi kiếm tiền bằng chính cái công việc người ta vẫn coi là “nghệ thuật lén lút”, là sự “phạm luật”...

Thèm những bức tường”

 

Đối với dân graffiti, điều quan trọng nhất là có nơi để vẽ và những đồ dùng cần thiết cho việc theo đuổi đam mê (mà trong đó quan trọng nhất là bình sơn xịt). Nhưng thực tế là những writer luôn trong tình trạng thiếu thốn và thèm khát. "Thèm sơn, thèm những bức tường", Hoàng Art thổ lộ.

 

Khi đứng trước bài toán: Làm thế nào để tiếp tục theo đuổi đam mê một cách "danh chính ngôn thuận" và để mọi người đón nhận, hiểu đúng và công nhận về graffiti; thì hầu hết những writer đều chọn cách giải quyết là: Kinh doanh! Ban đầu là những mẩu quảng cáo như kiểu: "Nhận vẽ trên mọi chất liệu từ giày dép, quần áo, xe máy, điện thoại, tường... Đảm bảo hàng đẹp, độc đáo và giá cả hợp lý", kèm theo hình ảnh sản phẩm ở trên các diễn đàn, forum hay đơn giản là cách truyền miệng.

 

Chơi "sang" như nhóm S5 Crew là đăng tin trên Hoa Học Trò. Tuy nhiên, không chỉ có giày mà cả quần áo, đồ lưu niệm, điện thoại, xe máy... cũng đều có thể nhờ tới bàn tay của những writer chuyên nghiệp để tạo ấn tượng.

 

Sống được

 

"Việc kinh doanh thật sự tiến triển, có khi về nhà mà cứ ngỡ là nhà kho vì toàn giày dép, quần áo", Nguyễn Thanh Sơn (Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội), một writer chuyên nghiệp, vui vẻ tâm sự. Công việc bận tối mắt nhưng lại khiến cả nhóm vui vẻ hơn vì vẫn được vẽ mà lại có thêm thu nhập để mua sơn và không phải xin tiền bố mẹ. Với nhóm S5 Crew, họ có một kỷ niệm đáng nhớ khi vẽ tường cho nhà hàng BBQ Hàn Quốc.

 

Khách hàng là những người khó tính nên họ phải vẽ phác thảo ra giấy mấy lần mới được chấp nhận. Nhưng khó khăn cho nhóm là công việc phải bắt đầu vào lúc 21h và kết thúc vào 4h sáng. Ba đêm làm việc liên tiếp và ngủ chập chờn trên những chiếc ghế, nhóm nhận được khoản tiền đủ để liên hoan, dành tiền mua sơn vẽ và lập quỹ. Nhưng thích nhất là họ đã chứng tỏ được khả năng với những vị khách nước ngoài và nhận được không ít những đơn đặt hàng vẽ graffiti sau đó.

 

Còn đối với nhóm G2 của Minh Trí thì họ đã có một sự kiện đáng nhớ khi nhận được hợp đồng vẽ graffiti cho sân patin có diện tích tường lên tới 150m2. Hay như nhóm Devile Days có thời gian cũng "chạy sô bở hơi tai" để vẽ tường cho các cửa hàng quần áo, băng đĩa hình, quán cà phê, nhà riêng...

 

Bận rộn và "rủng rỉnh" hơn từ việc kiếm tiền nhờ vẽ graffti nhưng trong đầu những writer luôn tâm niệm: "Kinh doanh là để theo đuổi đam mê". Và cũng vì đam mê đó mà những nhóm graffiti như Street Jockey, Devil days, S5 Crew, G2 Crew, Zappy 1988... trải qua không ít những thăng trầm từ lúc graffiti còn hoạt động "lén lút" cho đến khi được mọi người công nhận và có thể "ngẩng cao đầu" đem bình xịt đi kiếm tiền tại các ngày hội của giới trẻ, tại các shop thời trang, quán cà phê... với nghệ thuật đích thực và phong cách “pờ rồ” như chính khẩu hiệu của dân graffiti: "Become to Pro Writers".

 

Theo Huyền Trang

Lao Động