1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cho nghỉ việc “cựu thần”: Khó ghê!

(Dân trí) - Tôi băn khoăn khi để 1 nhân viên nghỉ việc. Vợ anh ta đang thất nghiệp, con điều trị bệnh tim. Vì “chân trong - chân ngoài” nên anh ta làm việc cơ quan qua quít. Thương tình vì hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi không thể bao che mãi vì ảnh hưởng tới công việc chung của phòng.


Phía sau mỗi nhân viên, đôi khi là cả gánh nặng gia đình.(ảnh minh họa)

Phía sau mỗi nhân viên, đôi khi là cả gánh nặng gia đình.(ảnh minh họa)

Sau 2 tháng nhận vị trí trưởng phòng kinh doanh, tôi có thể khẳng định: Mắt xích nhân sự yếu nhất trong phòng là Dũng.

Anh ta vốn là "cánh tay phải" của trưởng phòng cũ - người vốn không ưa tôi. Nhưng điều tôi lo lắng là hiện nay năng suất làm việc của Dũng quá thấp.

Dù chỉ được giao 80 % khối lượng công việc của nhân sự cùng phòng, nhưng anh ta chỉ hoàn thành nhiệm vụ được hơn 1/2. Có việc mới phát sinh, Dũng thường có thái độ trốn tránh hoặc đùn đẩy cho người khác.

Đầu giờ làm việc thì thường tới muộn 30 phút. Vừa hết giờ chiều, Dũng nhanh chóng khoác ba lô ra khỏi phòng. Công việc còn dở dang, anh đều để đó mai làm tiếp.

Năng lực của Dũng ở mức vừa phải, nhưng khâu tương tác với mọi người không tốt lắm. Nhiều việc anh chị em trong phòng nhờ trong khả năng, nhưng hiếm khi anh giúp đỡ mọi người. Ngay cả tôi đang có việc cần gấp, phải nhờ anh ta gửi lại email công việc đã báo cáo tháng trước. Anh ta thủng thẳng: “Sếp thử tìm lại trong đống email đã nhận xem!”.

Trong khi đó, mỗi ngày tôi phải xử lý tới cả trăm email. Cuối giờ, đầu óc đờ đẫn không nhớ được những việc quá chi tiết.

Nói tới đây, chắc nhiều bạn sẽ băn khoăn: Vì sao Dũng được tôi giao 80 % công việc so với nhân viên khác?

Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” dồn lên vai Dũng. Với mức lương 10.000.000 đồng/tháng, Dũng phải tìm cách để xoay sở nhiều thứ để đủ chi phí cho gia đình. Tôi biết, sau mỗi giờ làm là Dũng lại hì hục vác ba lô đi dạy thêm tiếng Anh tới tận 22-23 h đêm.

Tôi đã phải cân nhắc rất kỹ. Vợ Dũng thất nghiệp 6 tháng nay. Con anh ta bị bệnh tim, ra vào viện như cơm bữa. Chưa kể lúc nào cháu bé cũng phải có người thân giám sát.

Giao việc bớt cho anh cũng là cách phần nào giảm sức ép cho anh và để mọi người thấy tôi không ác cảm với “cựu thần”. Mặc dù tôi thực sự ái ngại khi đã có những xì xào và tị nạnh của nhân viên về việc này.

Đợt đánh giá quý 3/2015, tôi phải liều xác nhận anh ta hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với tốc độ này, chắc chắn quý 4/2015, anh không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi cũng khó có thể châm chước lần tiếp theo.

Thời gian làm thêm nhiều, sức ép công việc ngày thường và nỗi lo cơm áo giằng xé có lẽ là nguyên nhân khiến Dũng càng phờ phạc và làm việc hiệu quả thấp.

Tôi đã nghĩ tới việc điều chuyển Dũng sang bộ phận nào hợp lý hơn. Nhưng mô hình kinh doanh của công ty chưa có bộ phận như vậy. Đặc biệt, tính cách và hoàn cảnh này khó phòng ban nào có thể giúp anh ta phát triển được.

Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi thẳng thắn với nhau. Nhưng Dũng ngày càng có xu hướng khép mình. Có lẽ anh cũng đang tìm cho mình một cơ hội khác nhưng chưa có?

Không biết thông tin từ đâu ra, Giám đốc điều hành của công ty đã biết chuyện của Dũng.

Tôi bị gọi lên và nhắc nhờ vì đã bao che. “Anh trao đổi lại với cậu ta, trong một tuần nữa phải có sự thay đổi. Nếu không, anh làm văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với cậu ta và gửi cho Ban giám đốc. Chúng tôi sẽ có cách giải quyết sớm nhất” - Giám đốc điều hành nghiêm khắc yêu cầu.

Tình huống thật khó nghĩ các bạn ạ.

Một tuần hay cả tháng nữa, chắc chắn Dũng không có thể thay đổi. Trong khi đó, việc soạn công văn đề nghị chấm dứt hợp đồng thì lại quá dễ.

Nhưng sau quyết định đó, Dũng sẽ mất việc. Gánh nặng cơm áo của một gia đình đầy hoàn cảnh sẽ càng nặng hơn lên đôi vai anh ta.

Nhưng tôi cũng khó có thể tiếp tục bao che được vì sếp đã biết chuyện.

Các bạn, hãy cho tôi xin một lời khuyên.

Phạm Xuân Hưng (Long Biên, Hà Nội)