An Giang:
Chở khách vượt ngọn núi cao nhất miền Tây, kiếm tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Thu nhập cao cả triệu đồng mỗi ngày nhưng để có được đồng tiền ấy, cánh tài xế xe ôm đánh cược mạng sống qua cung đường đá. Khách ngồi phía sau cũng liên tục thót tim mỗi khi xe đổ dốc núi…
Thiên Cấm Sơn hay còn gọi là Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang từ lâu được biết đến là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút du khách cả nước trong mỗi dịp năm mới. Từ độ trong Tết đến ngày vía Bà Chúa Xứ (23/4 âm lịch) là mùa du lịch tại ngọn núi cao nhất miền Tây.
Núi Cấm có nhiều điểm tham quan, cúng viếng nhưng nằm khá xa chân núi, đoạn đường dốc khó đi nên để đến được những nơi này, du khách cần đi cáp treo, thuê xe ôm. Nhu cầu lên núi chiêm bái ngày một nhiều và nghề chạy xe ôm cũng xuất hiện. Đây được xem là công việc giúp nhiều lao động nghèo có được nguồn thu nhập ổn định.
Nghề cầm lái "hái" ra tiền
Anh Nguyễn Trọng Hưng (40 tuổi, ngụ tại ấp An Hòa, xã An Hảo) theo nghề chạy xe ôm được hơn 10 năm cho biết, ngày trước, chỉ có cánh đàn ông chạy xe ôm nhưng nghề này dễ kiếm tiền nên các ông chồng "rủ" vợ cùng chạy để kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Người này chỉ bảo người kia thành ra có thêm phụ nữ làm nghề.
"Thấy phụ nữ chân yếu tay mềm vậy thôi chứ chẳng kém cạnh đàn ông đâu. Chị em tài xế đôi khi còn cẩn thận hơn chúng tôi, họ bẻ lái qua khúc cua hay lên dốc rất chắc chắn. Vả lại, các cô các dì đi hành hương cũng hay chọn phụ nữ lắm, để dễ vịn, dễ ngồi", anh Hưng nói thêm.
Tìm cho chúng tôi một tay lái chất lượng, theo yêu cầu phải là nữ giới, anh Hưng hào hứng khoe, chị Trần Thị Mỹ Lào (34 tuổi, xã An Hảo) được mệnh danh là "nữ hoàng tốc độ" của "đường đua" núi Cấm. Không phải nghiễm nhiên mà chị Lào được mọi người dành tặng danh hiệu này, đó là do kỹ thuật lái xe của chị rất thiện nghệ, chẳng kém cạnh đấng mày râu.
Để "thử tài" chị Lào, chúng tôi cùng hành trình đến Điện Bồ Hong, địa điểm cao nhất núi Cấm hiện tại. Ngồi sau xe được một lúc, chị Lào nói rõ to trong tiếng gió: "Ngồi chắc nhé em, khúc này cua và dốc lắm". Vừa dứt câu, chị bắt đầu giảm ga, chân đạp cần trả số liên tục để trườn theo những đoạn dốc đứng, hẹp và quanh co. Hành khách ngồi phía sau chẳng dám nhúc nhích, tay nắm chắc thanh vịn, không dám ngoảnh đầu lại nhìn chân núi khuất dần.
Vượt khoảng 3 km đường núi, chị Lào dừng xe, nở nụ cười tươi rói trong khi du khách ngồi sau chân tay đã bủn rủn, lạnh toát mồ hôi vì sợ. Ngồi cạnh "chiến mã", chị Lào kể, trước đây gia đình chị kinh doanh rau cải gần khu du lịch nhưng chẳng dư dả. 8 năm trước, chồng chị chuyển sang nghề xe ôm, làm được 3 năm chồng "bẻ lái" cho chị theo cùng nghề để tăng thu nhập.
"Mới đầu cầm chiếc xe chạy đường núi cũng sợ lắm vì dốc cao, cua khúc khủyu, dựng đứng, sơ sẩy một chút là té xe liền. Rồi mình ráng chạy thường xuyên học cách vô số, tăng giảm ga quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh thì mới cứng tay lái được", nữ tài xế chia sẻ.
Theo nữ "cua-rơ", chở khách trên núi khó hơn chạy dưới đồng bằng gấp nhiều lần, nhất là chở những cô, dì 50, 60 tuổi, không thể chạy nhanh đồng thời phải xử lý khéo để khách không giật mình vì sợ. Chưa kể khách ngồi phải thăng bằng, nếu lệch rất dễ té ngã, nặng hơn còn lộn đầu, rơi xuống núi.
"Đổi lại nghề có thu nhập ổn định lắm. Ngày thường tôi kiếm được từ 200.000 đến 300.000 đồng, riêng Lễ, Tết có thể thu được cả triệu đồng/ngày. Nhờ nghề xe ôm mà tôi có tiền lo cho 3 con ăn học", chị Lào vui vẻ nói.
Xe phải "độ" liên tục
Ngoài chị Lào, còn khá nhiều phụ nữ hành nghề chạy xe ôm kiếm sống tại núi Cấm, trong số đó có bà Mai Thị Phượng (52 tuổi), một "chiến binh" đã có hơn một thập kỷ chở khách lên núi tham quan, lễ chùa.
Để theo nghề, bà Phượng phải tậu chiếc xe mới rồi tốn thêm 500.000 đồng để "độ" lại bộ nhông sên đĩa của xe mới chạy được đường núi. Theo nữ tài xế U60, đi đường núi rất nhanh "hao" xe, chạy được 2 - 3 tháng phải thay vỏ xe, chừng nửa năm thì nâng cấp phụ tùng. Có như thế mấy "con ngựa sắt" mới đảm bảo chở khách an toàn. Vượt núi, xe chạy được vài năm thì phải thay chiếc khác vì đã xuống cấp.
"Đường sá trên núi bây giờ đổ bê tông, tráng nhựa khá nhiều rồi, không còn cheo leo, nguy hiểm như ngày xưa nữa. Cánh tài xế như chúng tôi cũng nhẹ lòng hơn, bản thân mình không sợ hiểm nguy nhưng phải lo an toàn cho khách", bà Phượng tâm sự.
Từ năm 2015, cáp treo lên núi Cấm đi vào hoạt động với giá vé khoảng 180.000 đồng/người/khứ hồi. Từ chân núi, du khách chỉ mất hơn 10 phút để lên được đỉnh núi, lại được ngắm toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ thế nên nhiều người dần chuyển sang đi cáp treo, xe ôm dần thất thế.
Hiện, bến xe ôm núi Cấm còn hơn 1.100 tài xế trong đó có khoảng 600-700 người hành nghề thường xuyên. Trung bình mỗi cuốc xe, tài xế nhận về từ 50.000 đến 170.000 đồng, tùy điểm đến và vé một chiều hay khứ hồi.
Cực nhọc, hiểm nguy nhưng để bữa cơm nhà có cá có thịt, để con trẻ được cắp sách đến trường, các "cua-rơ" chưa bao giờ ngại khó. Họ chỉ nguyện cầu bản thân còn đủ sức khỏe để bám trụ với nghề.