Chính sách về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế từ 2021
Tôi sinh ngày 5/5/1966, là công chức đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, có thời gian đóng BHXH đến thời điểm tháng 5/2021 là 24 năm.
Tôi có trình độ đào tạo chưa đạt tiêu chuẩn đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm và cơ quan, đơn vị không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như không thể bố trí vị trí việc làm khác phù hợp nên tôi đã tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Xin hỏi, theo quy định tại Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, tôi có được giải quyết nghỉ hưu trước tuổi tại thời điểm tháng 9/2021 không? Nếu không, tại thời điểm nào thì tôi được giải quyết nghỉ hưu trước tuổi? Người hỏi: Đinh Văn Mười.
Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 223/BLĐTBXH-BHXH ngày 28/1/2021 và của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 850/BTP-PLDSKT ngày 24/3/2021 thì tuổi để hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi của đối tượng tinh giản biên chế là thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của năm thực hiện tinh giản biên chế của đối tượng đó.
Trong năm 2021, chính sách về hưu trước tuổi của đối tượng tinh giản biên chế làm việc trong điều kiện lao động bình thường là thấp hơn đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Theo đó, đối với trường hợp ông Đinh Văn Mười, sinh ngày 5/5/1966, tại thời điểm tinh giản biên chế tháng 9/2021, ông Mười 55 tuổi 3 tháng (thấp hơn 5 năm so với tuổi nghỉ hưu năm 2021 theo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nên ông Mười đủ điều kiện về tuổi để hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ).