Hội nghị Ban Điều phối Mạng An toàn, vệ sinh lao động ASEAN lần thứ 17:
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết thách thức về an toàn, vệ sinh lao động
(Dân trí) - Sáng 26/4, tại Đà Nẵng, Hội nghị Ban Điều phối Mạng An toàn, vệ sinh lao động ASEAN (ASEAN - OSHNET) lần thứ 17 do Việt Nam đăng cai đã chính thức khai mạc.
Tham dự Hội nghị có gần 50 đại biểu đến từ nhiều tổ chức quốc tế và 10 nước ASEAN cùng khoảng 150 đại biểu trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh chia sẻ kinh nghiệm giải quyết thách thức về an toàn, vệ sinh lao động trong khu vực là một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị, và cũng là hoạt động mục tiêu của ASEAN - OSHNET trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, bên cạnh những thành tựu quan trọng mà Mạng lưới đã đạt được, và được cộng đồng lao động quốc tế ghi nhận trong suốt 20 năm qua, các thành viên Ban Điều phối ASEAN - OSHNET đều nhìn nhận ASEAN - OSHNET sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức, khó khăn mới, các chỉ tiêu phát triển sẽ thay đổi. Vì vậy, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy công tác An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
“Bài toán” cần giải pháp trước hết của ASEAN - OSHNET, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, là môi trường kinh doanh phát triển, công nghệ mới và những tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải liên tục phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. ASEAN - OSHNET cần và nên trước hết là giúp các nước thành viên phát triển khung pháp lý, phát triển các tiêu chuẩn và thực thi hiệu quả Luật ATVSLĐ, chia sẻ kinh nghiệm để giải quyết những thách thức về ATVSLĐ.
Thứ hai, thúc đẩy việc thực hiện các Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, trong đó giải quyết những vấn đề về huấn luyện, truyền thông, thanh tra... Phải thể hiện sự cam kết của Chính phủ các nước trong công tác ATVSLĐ.
Thứ ba, thúc đẩy sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa của tất cả các bên liên quan và sự hội nhập về ATVSLĐ trong khu vực. Làm sao để tác động nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của ATVSLĐ, gắn kết người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa ASEAN - OSHNET với Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thanh tra Lao động quốc tế... và các nước ASEAN + 3 (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).
ASEAN - OSHNET hình thành từ năm 1996 tại Manila (Phillipine) với Ban Điều phối là lãnh đạo các cơ quan Nhà nước về ATVSLĐ của 10 nước thành viên. Với nổ lực của các đầu mối trong Mạng trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch Công tác trong từng giai đoạn phát triển suốt 20 năm qua.
ASEAN - OSHNET đã đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế công nhận trong việc hạn chế những rào cản trong bối cảnh tự do thương mại và toàn cầu hóa. Qua đó, góp phần khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện ATVSLĐ tốt hơn, cải thiện điều kiện làm việc của họ hướng tới thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tạo một lực lượng lao động hiệu quả và cạnh tranh.
Trong khuôn khổ các chương trình của Hội nghị, dự kiến kéo dài đến hết ngày 28/4, có các sự kiện Hội nghị thường niên của Ban Điều phối ASEAN - OSHNET; Diễn đàn về An toàn,vệ sinh lao động; Mitting hưởng ứng Ngày Thế giới về An toàn, vệ sinh lao động (28/4).
Khánh Hiền