1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản

Dương Nguyên

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài, nhiều hộ dân tại các vùng miền núi Hà Tĩnh phải chi hàng chục triệu đồng thuê thợ đào ao, khoan giếng tìm nguồn nước tưới cho cây cam.

Sáng một ngày cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Minh (55 tuổi, trú thôn 5, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) kéo vòi nước dài hàng trăm mét lên sườn đồi.

Máy bơm công suất lớn hoạt động, nước được di chuyển từ ao tích trữ qua đường ống. Từ đây, ông Minh dễ dàng cầm vòi tưới cho hơn 1ha cam bù của gia đình.

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản - 1

Gia đình ông Minh chi gần 40 triệu đồng để đào ao tích nước và đầu tư hệ thống tưới tiêu cho cam (Ảnh: V.C.).

Theo người nông dân này, cam đang giai đoạn dưỡng quả nên việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây là rất quan trọng. Năm nay, nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao khiến cam khô héo nhanh.

"Để ứng phó, từ đầu mùa, tôi chi hơn 30 triệu đồng thuê máy móc về đào ao tích nước. Cùng với đó, tôi mua 2 máy bơm công suất lớn và hệ thống ống tưới dài 200m với kinh phí gần 8 triệu đồng để thuận tiện cho việc chăm sóc, chống hạn cho cam", ông Minh nói.

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản - 2

Hạn hán khiến nông dân Vũ Quang đang gồng mình ứng phó (Ảnh: V.C.).

Ngoài tưới nước vào mỗi buổi sáng, ông Minh còn dùng cỏ, cây khô ủ gốc, giúp cam có độ ẩm cần thiết.

Tại vùng Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), những ngày này, anh Trần Hải (34 tuổi) cũng đang lo lắng cho gần 2ha cam, chanh trên vườn đồi của gia đình khi thời tiết cứ nắng nóng kéo dài, mưa hiếm.

"Thiếu nước, cam sẽ không phát triển như bình thường được. Chưa kể, vùng này, người dân chúng tôi cũng thiếu nước sinh hoạt do chưa có nước máy. Hạn hán khiến nước sông, suối, đập cũng cạn", anh Hải than thở.

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản - 3

Gia đình anh Hải thuê thợ về khoan giếng tìm nguồn nước ngọt (Ảnh: Dương Nguyên).

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản - 4

Anh Hải đang chăm sóc vườn cam, chanh của gia đình dưới thời tiết nắng nóng (Ảnh: Dương Nguyên).

Không còn cách nào khác, anh nông dân sinh năm 1989 phải chi hơn 13 triệu đồng để thuê một nhóm thợ về khoan thêm giếng, tìm nguồn nước ngọt.

Mướt mồ hôi từ sáng tới trưa, anh Hà Văn Trung (45 tuổi, trú thị trấn Đồng Lộc), cùng 2 người thợ trong nhóm của mình vẫn chưa tìm được nguồn nước,  sau khi đặt máy khoan dò hàng chục mét dưới lòng đất trong vườn cam của gia đình anh Trần Hải.

Anh Trung cho hay, nhóm của mình làm công việc khoan giếng trong vùng nhiều năm qua. Riêng năm nay, từ đầu mùa hè, số lượng khách gọi đến thuê tìm nguồn nước tăng đột biến.

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản - 5

Nếu không có phương án tìm nguồn nước tưới, quả cam sẽ phát triển không đều (Ảnh: Dương Nguyên).

"Chúng tôi nhận khoan hơn 200 giếng từ đầu mùa đến nay. Anh em làm từ sáng sớm đến tối nhưng vẫn không kịp. Tùy địa hình, địa chất, nơi nhanh khoan ở độ sâu 30-40m đã có nước, chỗ lâu mất 2-3 ngày khoan sâu 60-70m mới có kết quả. Cũng vất vả, nhưng anh em có thêm thu nhập", anh Trung nói.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 sẽ là một năm Việt Nam phải hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng El Nino, gây nên tình trạng hạn hán căng thẳng tại nhiều vùng sinh thái.

Tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là "vùng chảo lửa" ở miền Trung, tình trạng hạn hán sẽ càng khó lường.

Chi hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng chống hạn cho cây đặc sản - 6

Ngoài thiếu nước tưới tiêu, nhiều vùng tại Hà Tĩnh, người dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vì hạn hán (Ảnh: Dương Nguyên).

Theo ông Phan Xuân Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Quang, trước tình trạng nắng nóng kéo dài, huyện này đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống nóng cho cam như ủ gốc cho cây, đầu tư hệ thống tưới.

Địa phương cũng phải hướng dẫn sử dụng tiết kiệm nước, điều tiết hợp lý nguồn nước tưới từ các hồ đập, sông suối hoặc đầu tư kinh phí đào ao tích nước.

Đến nay, 2.600ha cam tại địa phương này đang phát triển tốt, không bị khô héo, quả to đều.