Chi 1.300 tỷ đồng cho giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020
(Dân trí) - Tại Đắk Lắk vừa diễn ra Hội nghị giao ban với các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên về đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức.
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã bố trí trên 1.300 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị đào tạo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Từ năm 2016-2019, có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề; trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đạt 2,85 triệu người.
Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016-2019 là 81,4%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ở khu vực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đa số đại biểu cho rằng, việc tuyển sinh lao động nông thôn để đào tạo nghề khá khó khăn, do đối tượng theo quy định không được học lại.
Thực tế sau khi học xong, số lao động tự tạo việc làm hoặc làm ở doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định về mức tiền ăn, định mức chi phí đào tạo còn thấp,cần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề...
Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nguồn lực dành cho giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển cả về quy mô, chất lượng.
Nhiều mô hình đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động được hình thành. Đặc biệt, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau 11 năm thực hiện đã huy động được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, lao động học một số nghề chưa tìm được việc làm do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, lĩnh vực đào tạo nghề chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Khánh đề nghị, các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến công tác giáo dục nghề nghiệp.
"Năm 2020 là thời điểm cuối thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương cần tổng kết Đề án đúng thời hạn; đồng thời bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo trong giai đoạn tiếp theo sát với thực tế", ông Hùng cho hay.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trước những đề nghị của các địa phương về cơ chế quản lý, nguồn vốn, tổ chức đào tạo, nâng mức hỗ trợ, Tổng cục sẽ nghiên cứu, đưa vào kế hoạch và phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn để triển khai thực hiện trong giai đoạn sau, phù hợp với thực tế và đặc thù của từng vùng, từng địa phương.