Kon Tum:

Chế tác mặt nạ gỗ "siêu dị" cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên

CTV

(Dân trí) - Bằng đôi bàn tay khéo léo, ông A Yưk đã đẽo tạc hàng nghìn mặt nạ đa dạng hình dáng, biểu cảm, góp phần phát huy bản sắc văn hóa người Jrai giữa núi rừng Tây Nguyên.

Ông A Yưk (57 tuổi, ở xã Ia Chim, TP Kon Tum, Kon Tum) sinh ra và lớn lên tại làng Klâu Ngo Zố. Từ nhỏ, ông A Yưk đã mày mò đẽo ra những mặt nạ bằng gỗ phục vụ cho người dân hóa trang dịp lễ hội.

Chế tác mặt nạ gỗ siêu dị cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên - 1

Ông A Yưk đặt hết tâm huyết vào từng chiếc mặt nạ gỗ.

Nói về cơ duyên làm mặt nạ gỗ, ông A Yưk nhớ lại: "Khoảng 20 năm về trước, trong một lần tham gia lễ hội tại huyện Chư Păh (Gia Lai), khi nhìn thấy đủ thứ loại tượng, mặt nạ đẹp mắt được trang trí, tôi rất ưng bụng. Về đến nhà, tôi đã  hình dung làm lại. Làm từ cái nhỏ đến cái to. Dần dần, mặt nạ làm ra cũng đẹp hơn".

Chế tác mặt nạ gỗ siêu dị cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên - 2

Những chiếc mặt nạ làm ra đều được ông Yưk đục đẽo thủ công, tỉ mỉ trong từ chi tiết.

Mặt nạ được ông A Yưk khắc họa đủ hình dạng như mặt cười vui, đau khổ, người già, người trẻ, nam, nữ... Những bộ phận chính trên mặt nạ gồm mắt, mũi, miệng và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm… được cách điệu với đường nét hoang sơ, tự nhiên.

Mỗi chiếc mặt nạ dày trung bình 1cm, dài khoảng 20-25cm, tùy giới tính. Mặt nạ dành cho nữ thường thon gọn, có phần vải đen dài 30cm gắn phía sau để đặc tả tóc dài. Mặt nạ cho nam có khuôn hình vuông rộng, điểm thêm râu. Mặt nạ cho người già thể hiện rõ ở bộ răng thưa, thêm chút vôi trắng và mặt nạ trẻ con thì tô thêm chấm hồng ở má.

Điểm đặc biệt dễ nhận thấy ở những chiếc mặt nạ là sự kì dị pha lẫn hài hước. Thậm chí, có những chiếc mặt nạ dễ khiến người nhìn sợ hãi.

Chế tác mặt nạ gỗ siêu dị cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên - 3

Mỗi mặt nạ làm ra, ông A Yưk thường bán với giá vài trăm nghìn đồng. Khi có lễ hội, ông vui vẻ làm tặng bà con trong làng.

Hàng ngày, sau những giờ đi trút mủ cao su, ông A Yưk lại dành thời gian đi khắp làng tìm nguyên liệu. Thành phần chính để tạo nên những chiếc mặt nạ là gỗ cây hoa sữa. Loại gỗ này có đặc điểm là nhẹ, mềm, dễ đốn hạ, tạo hình và cũng dễ kiếm.

Để làm ra những chiếc mặt nạ kỳ dị, đẹp, bắt mắt, ông A Yưk dùng các công cụ thô sơ như rựa, dao, đục...

Theo ông A Yưk, để làm nên chiếc mặt nạ chuẩn, phải chọn những cây gỗ nhẹ, không bị nứt, lồi lõm. Sau khi tạo hình, các mặt nạ cần được hơ qua lửa cho cháy sém nhằm tăng thêm sắc thái cho biểu cảm. Mỗi ngày, ông có thể làm ra ba chiếc mặt nạ.

Chế tác mặt nạ gỗ siêu dị cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên - 4

Ông thường dùng những cây gỗ mềm để chế tác mặt nạ.

Ông A Yưk bộc bạch, theo phong tục tập quán của người Jrai, mặt nạ được xem là kỷ niệm của một người lúc sống hoặc đã chết. Việc sử dụng mặt nạ trong các lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Jrai tại làng Klâu Ngo Zố nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Kon Tum nói chung.

Người chế tác mặt nạ gỗ kỳ dị cho những lễ hội đậm màu Tây Nguyên

Mỗi mặt nạ làm ra, ông A Yưk thường bán với giá khoảng 300 nghìn đồng. Vì người dân làng Klâu Ngo Zố còn nhiều khó khăn nên ông cũng thường hào phóng tặng bà con để chơi dịp lễ hội. Mong muốn của ông là duy trì được những phong tục tập quán từ bao đời nay truyền lại của tộc mình.

Chế tác mặt nạ gỗ siêu dị cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên - 5

Các mặt nạ ông làm riêng cho nam, nữ và trẻ em, người già...

Ở độ tuổi ngoại tứ tuần, ông A Yưk luôn trăn trở về nỗi lo kế cận. Ông A Yưk có sáu người con nhưng không ai muốn tiếp nối nghề của ông. Thanh niên trong làng cũng không chịu học bởi sự kỳ công, tỉ mỉ, chịu khó trong quá trình làm mặt nạ.

Ông A Byam - Trưởng thôn làng Klâu Ngo Zố bày tỏ: "May làng còn già A Yưk biết làm mặt nạ. Thế hệ trẻ sau này mới biết và hiểu đến. Nhờ có những chiếc mặt nạ này, các lễ hội ở làng thêm đặc biệt, linh thiêng hơn".

Chế tác mặt nạ gỗ siêu dị cho những lễ hội đậm sắc màu Tây Nguyên - 6

Ông A Yưk trăn trở không thôi khi tuổi lớn mà chưa tìm được lớp trẻ kế cận đam mê nghề chế tác mặt nạ gỗ.

"Ông A Yưk rất nổi tiếng trong việc chế tác nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là nghệ nhân. Các dịp lễ hội tại địa phương hầu hết đều nhờ có ông A Yưk mà đậm màu sắc văn hóa địa phương. Lo sợ nếp văn hóa này dần mai một nên địa phương cũng đã có đề xuất phòng mở các lớp học để truyền nghề này cho lớp trẻ" - Bà Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết.

Thu Hiền