Kon Tum
Chàng công nhân nuôi hươu sao, thu nhập hàng trăm triệu đồng
(Dân trí) - Vừa làm công nhân cao su, anh Nguyễn Xuân Tiến còn dành thời gian để nuôi hươu sao, dúi và bò lai. Với sự chịu khó, mỗi tháng anh thu hàng chục triệu đồng và đang là mô hình điểm cho huyện.
Dọc đường quốc lộ 14C về với huyện Ia H’drai (Kon Tum), chúng tôi thấy được sự khó khăn của người dân trên vùng kinh tế mới. Theo đó, huyện Ia H’drai là huyện biên giới, mới thành lập. Người dân chủ yếu từ phía Bắc theo tiếng gọi vào làm công nhân cao su.
Vì cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều người dân phải bỏ cuộc trở về quê nhà. Tuy nhiên, anh Nguyễn Xuân Tiến (35 tuổi, thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H’drai, Kon Tum) vẫn kiên cường bám trụ lại và “thoát nghèo” trên vùng sỏi đá này.
Theo ông Võ Tấn Lạc (Chủ tịch UBND xã Ia Dom), anh Tiến là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã.
Nhìn từ ngoài, anh Tiến có một căn nhà được xây kiên cố và khang trang nhất xã. Thấy những vị khách phương xa, anh Tiến vui mừng đón tiếp và chia sẻ về bí kíp làm giàu trên vùng đất khó.
Cũng như bao hộ dân trên vùng biên giới, nghề nghiệp chính của vợ chồng anh Tiến là nhận khoán hơn 4ha cây cao su của Công ty Duy tân để chăm sóc và cạo mủ.
Từ 1h sáng, vợ chồng anh chị phải thức dậy đi cạo mủ cao su đến 5h sáng. Buổi ngày, vợ chồng anh chị tiếp tục cần mẫn chăm sóc nhưng gốc cao su đã nhận khoán. Từ việc nhận khoán và chăm sóc cây cao su, gia đình đã thu về gần 15 triệu đồng/tháng.
Khi có vốn tích góp, anh Tiến đã tìm hiểu và thử nghiệm mô hình nuôi hươu sao trên vùng biên giới. A Tiến tâm sự: “Năm 2016, gia đình đã mua 2 cặp hươu sao giống với giá hơn 40 triệu ở Nghệ An. Mới đầu có khó khăn về cách chăn nuôi nên gia đình cũng rất lo. Lúc này, tôi đã tìm hiểu trên mạng và học hỏi kinh nghiệm những hộ nuôi khác".
Qua 3 năm, gia đình đã bán 6 con giống cho các hộ dân trên địa bàn. Trung bình mỗi con giống có giá khoảng từ 20 - 25 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 5 con đực để lấy nhung và 4 con cái để sinh sản.
Mỗi tháng, anh Tiến thu thêm gần chục triệu đồng từ việc bán nhung hươu sao.
Không những thế, chàng trai ở “vùng đất khó” đang nuôi thêm 6 con bò lai. Mỗi năm, gia đình anh đã xuất đi từ 2 - 3 con để làm thịt thương phẩm và bán bò giống. Ngoài ra, anh Tiến đang nuôi thử nghiệm hơn 40 con dúi nhằm phục vụ cho mục đích thịt thương phẩm trên địa bàn huyện.
Anh Tiến tâm sự: “Xuất phát từ người nông dân nên việc chân tay cũng quen làm. Ngoài giờ đi làm cao su, mình tận dụng thời gian rảnh để phát triển thêm việc chăn nuôi. Theo đó, hươu sao và dúi đều bắt nguồn từ hoang dã nên dễ chăm sóc, ít bệnh mà lợi nhuận đem lại rất cao. Nhờ những vật nuôi này đã mang về thu nhập thêm khoảng 250 triệu đồng/năm cho gia đình.”.
Ông Võ Tấn Lạc (Chủ tịch UBND xã Ia Dom) cho biết: “Hộ gia đình anh Tiến đã mạnh dạn đi đầu để nuôi các loại động vật có giá trị hư hươu sao và dúi. Vì là xã khó khăn ở vùng biên giới nên nhận thức bà con còn hạn chế. Hiện xã đang đề xuất lên phòng nông nghiệp để chọn gia đình anh Tiến mà mô hình nuôi hươu sao điểm".
Qua đó, dùng các nguồn vốn để hỗ trợ anh trong sản xuất, phát triển giống nuôi. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con trên địa bàn đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm để cùng nhau thoát nghèo, ổn định cuộc sống trên vùng đất mới.