1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chấn chỉnh cán bộ, công chức đùn đẩy việc, sợ sai, sợ trách nhiệm

Hoa Lê

(Dân trí) - Các đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ đã phát hiện một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, không dám đề xuất xử lý công việc thuộc thẩm quyền.

Hiện tượng công chức sợ sai, né trách nhiệm

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra đã quan tâm thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, tập trung vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

Chấn chỉnh cán bộ, công chức đùn đẩy việc, sợ sai, sợ trách nhiệm - 1

Công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ vẫn còn nhiều hạn chế (Ảnh minh họa: Hoa Lê).

Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ vẫn tồn tại những hạn chế như còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Chỉ thị có nêu, thời gian gần đây có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc; sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định xử lý các công việc thuộc thẩm quyền.

Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thanh kiểm tra hoạt động công vụ

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cho rằng cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý...

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Chính phủ, trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chấn chỉnh cán bộ, công chức đùn đẩy việc, sợ sai, sợ trách nhiệm - 2

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ (Ảnh minh họa: Hoa Lê).

Chính phủ yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định.

Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ.   

Thủ trưởng các cơ quan thanh tra tăng cường quản lý, chỉ đạo triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng quy định pháp luật về thanh tra.

Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu cần tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.