Thanh Hóa:

Câu chuyện làm lại cuộc đời của giám đốc trẻ từng là phạm nhân

Nguyễn Thùy

(Dân trí) - Đang là sinh viên thì anh Sùng vướng vào vòng lao lý vì buôn tiền giả. Ra tù, anh quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành giám đốc và tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là những người từng lầm lỗi.

Hai lần đến với trại giam

Đến thăm cơ sở sản xuất đá ốp lát của anh Trần Văn Sùng (SN 1982, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), không ai nghĩ rằng ông chủ này đã đi lên từ 2 bàn tay trắng với quá khứ lầm lỗi.

Năm 2005, khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Sùng bị đám bạn xấu rủ đi tiêu thụ tiền giả. Anh đã bị công an bắt và phải trả giá cho sự sai lầm bằng 4 năm tù giam.

Năm 2009, anh ra tù với 2 bàn tay trắng. Kinh tế gia đình kiệt quệ do những năm tháng bố mẹ nuôi anh ăn học, cùng với khoản tiền phạt bổ sung trước ngày mãn hạn tù.

Câu chuyện làm lại cuộc đời của giám đốc trẻ từng là phạm nhân - 1

Anh Sùng chia sẻ về quyết tâm làm lại cuộc đời của bản thân.

Không chấp nhận sống lầm lũi với quá khứ, anh đi khắp miền Nam đến miền Bắc xin làm đủ nghề, từ phụ hồ đến bốc vác để mưu sinh. Thu nhập từ công việc không đủ sống, cùng với sự kỳ thị, không ít lần anh rơi vào tuyệt vọng.

Năm 2010, biết được mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" của Công an huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) tạo điều kiện cho vay vốn, anh Sùng quyết định trở về quê lập nghiệp bằng nghề ốp lát đá. Đây là nghề mà anh đã được học từ ngày còn ở trong trại giam.

Công việc đục đẽo đá đòi hỏi phải tỉ mỉ, thu nhập không cao và bụi bẩn nên không phải ai cũng muốn học. Ngày trước khi còn ở trong trại, thời gian học chỉ có 6 tháng nên mới tiếp cận được những công đoạn cơ bản, kinh nghiệm chưa có.

Một lần nữa, anh Sùng đã quay trở lại trại giam Ninh Khánh (đóng tại tỉnh Ninh Bình) xin học lại.

Câu chuyện làm lại cuộc đời của giám đốc trẻ từng là phạm nhân - 2

Hiện xưởng sản xuất đá ốp lát của anh duy trì gần chục thợ chính.

Sau khi học hỏi thêm được những kinh nghiệm trong nghề, anh Sùng đã có thể tự tin và bắt tay vào nghề làm đá ốp lát ngay trên quê hương mình.

Vạn sự khởi đầu nan, nghề làm đá cần khá nhiều vốn, nhưng anh Sùng chỉ có vỏn vẹn số tiền 10 triệu đồng từ việc cắm chiếc xe máy của cô em gái nhường cho mình làm phương tiện đi lại.

Một thời gian sau, anh đã tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ khởi nghiệp của ngân hàng chính sách, Tỉnh đoàn Thanh Hóa và Hội doanh nhân Nga Sơn. Khi đã có nghề, có vốn trong tay, để có việc làm, anh lại phải lăn lộn khắp làng trên, xóm dưới để "tiếp thị", cứ nhà ai làm mộ là anh đến xin làm bằng được.

Và cơ hội đã đến khi anh lần đầu tiên nhận được công trình ốp mộ trị giá 100 triệu đồng, với yêu cầu phải hoàn thành trong 5 ngày và tiền công được nhận là 27 triệu đồng. 

"Tôi và ông chú làm quên ăn quên ngủ đúng 5 ngày thì xong. Nhận số tiền thù lao 27 triệu đồng, tôi mừng đến rơi nước mắt. Thành quả đó làm động lực cho tôi càng cố gắng, quyết tâm sống với nghề", anh Sùng nói.

Câu chuyện làm lại cuộc đời của giám đốc trẻ từng là phạm nhân - 3

Anh cho biết, nghề khắc đá cần tính cẩn thận, kiên trì.

Thời gian đầu, anh Sùng ban ngày chạy tìm kiếm việc làm, ban đêm cũng thức làm cùng thợ. Ban đầu, anh chỉ thuê 2-3 người. Nhưng đến năm 2011, cơ sở anh liên tục có từ 18-20 công nhân làm việc.

Năm 2013, khi công việc đi vào ổn định, anh Sùng thành lập công ty. Đến nay, xưởng đá mỹ nghệ của anh đã phát triển, duy trì gần 10 thợ chính, thu nhập mỗi thợ hơn 10 triệu đồng/ tháng. 

Không chỉ phát triển đá mỹ nghệ, anh Sùng còn làm cả nghề xây dựng, tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động trên địa bàn huyện Nga Sơn và vùng lân cận với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Chào đón những người từng lầm lỗi 

Ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, anh Sùng còn sẵn sàng chào đón những người từng lầm lỗi đến học nghề. Không những giúp họ có nghề mưu sinh, anh Sùng còn hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp.

Câu chuyện làm lại cuộc đời của giám đốc trẻ từng là phạm nhân - 4

Sau hơn 10 năm rời khỏi trại giam, anh đã là một giám đốc trẻ thành công và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.

"Những người sau khi ra tù thường mặc cảm, có nhiều người chưa rèn được tính kiên trì nên khi đào tạo nghề cho họ có đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, tôi thường dùng lời lẽ phân tích, định hướng để họ hiểu chỉ có quyết tâm lao động mới cứu được bản thân", anh Sùng bộc bạch.

Xưởng đá đã dạy nghề và tạo việc làm cho 6 người từng là phạm nhân, trong đó có 3 người đã thành công và được anh Sùng hỗ trợ vốn tách ra làm cơ sở riêng.

"Từng là phạm nhân, tôi rất hiểu và chia sẻ với những người lầm lỗi. Tôi sẵn sàng đón nhận bất cứ ai mới ra tù có chí hoàn lương và muốn học nghề. Mong muốn của tôi là tạo công ăn việc làm để phần nào giúp họ làm lại cuộc đời", anh Sùng chia sẻ.

Nói về tấm gương vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời của anh Sùng, ông Mai Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn) cho biết: "Anh Sùng là một người có nghị lực. Dù khi ra trại với hai bàn tay trắng nhưng anh đã biết đứng lên làm lại cuộc đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, thời gian qua, anh còn đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương".

Với những gì đã cố gắng, anh Sùng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều Giấy khen của huyện Nga Sơn, xã Nga Thạch...