Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Học hết phổ thông, ông Mai Văn Toản chọn ở nhà chăn vịt rồi bén duyên với nghề nuôi dê. Giờ đây, ông chủ trang trại nuôi dê quy mô lớn nhất huyện Nga Sơn, Thanh Hóa thu tiền tỷ mỗi năm.

Khởi nghiệp với 5 triệu đồng

Ông Mai Văn Toản, 54 tuổi, trú tại xã Nga An hiện đang sở hữu trang trại nuôi dê lớn nhất huyện Nga Sơn. Ông còn là chủ chuỗi 3 nhà hàng thịt dê nổi tiếng ở vùng đất này.

Trước khi đến với nghề nuôi dê, ông Toản trải qua hành trình khởi nghiệp đầy gian khó, nhưng ý chí và niềm đam mê đã giúp ông vượt qua thách thức, thành công.

Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu hàng tỷ đồng mỗi năm - 1

Ông Mai Văn Toản - chủ trang trại dê bạc tỷ tại xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu tiền tỷ mỗi năm (Video: Thanh Tùng).

"Tôi đến với nông nghiệp xuất phát từ niềm đam mê. Sở thích chăn nuôi thấm trong tôi từ khi còn bé. Ngày ấy gia đình nuôi vịt, tôi thường bỏ học ra đồng đi chăn vịt, không ngờ đó lại là cái duyên nghề theo tôi đến tận bây giờ", ông Toản nhớ lại.

Học xong lớp 12, chàng trai trẻ Mai Văn Toản quyết định ở nhà chăn vịt cùng bố mẹ. Đến năm 1998, sau khi lập gia đình, ông gom toàn bộ vốn được hơn 5 triệu đồng, vay mượn thêm tiền ngân hàng rồi thuê lại gần 2ha đất nông nghiệp ở sau nhà, mở mô hình nuôi vịt kết hợp ao cá, trồng cây và nuôi ong lấy mật.

Vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, thu nhập từ vườn, ao, chuồng chỉ đủ để ông nuôi gia đình. Đến năm 2001, tại địa phương triển khai mô hình nuôi lợn ngoại, ông Toản mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng được 15 triệu đồng rồi mở rộng chuồng trại, đầu tư nuôi lợn. Do kinh nghiệm chưa có, lợn đến kỳ xuất bán thì bị dịch, ông thua lỗ nặng. 

Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu hàng tỷ đồng mỗi năm - 2

Trước khi đến với nghề nuôi dê, ông từng làm mô hình trang trại quy mô nhỏ nuôi cá, vịt, và ong lấy mật (Ảnh: Thanh Tùng).

Không nản lòng, khoảng năm 2003, thịt dê trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích, giá thành bán ra lại cao. Nhận thấy đây là sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế, ông Toản đã mạnh dạn mua gần 10 con dê bố mẹ về nhân giống, nuôi ở vách núi sau nhà. Chỉ ít năm sau, ông đã sở hữu đàn dê mấy chục con.

Sau khi nhân đàn thành công, ông Toản nhận giết mổ dê mỗi khi có khách đặt hàng. Từ đó ông gắn bó với nghề nuôi dê đến nay.

"Khách đến mua dê, thấy dê tôi nuôi và làm thịt ngon nên đặt hàng ngày một nhiều. Với lượng khách ngày một đông, năm 2007, tôi mở một quán ăn nhỏ trước nhà rồi làm thịt dê bán. Từ một người chăn nuôi tôi lại làm thêm nghề dịch vụ ăn uống. Chính thịt dê đã đưa tôi đến thành công như ngày hôm nay", ông Toản chia sẻ.

Mỗi năm thu tiền tỷ từ đàn... "con"

Sau gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi dê, đến nay ông Toản đang sở hữu một trang trại nuôi, chế biến thịt dê với quy mô rộng gần 5ha và chuỗi 3 nhà hàng chuyên về thịt dê.

Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu hàng tỷ đồng mỗi năm - 3

Hiện ông đang sở hữu trang trại dê rộng 5ha và chuỗi 3 nhà hàng chuyên bán thịt dê (Ảnh: Thanh Tùng).

"Tôi không mất quá nhiều vốn để đầu tư. Quan điểm của tôi là lấy ngắn nuôi dài, làm chắc chắn chứ không mạo hiểm. Từ những đồng vốn ít ỏi, tôi xoay vòng để vừa nuôi dê vừa bán dê thương phẩm, rồi mở thêm nhà hàng đến khi cơ sở lớn mạnh từ lúc nào không hay", ông chủ trại dê thổ lộ.

Theo ông Toản, hiện tại trang trại của gia đình ông duy trì hơn 700 dê thịt/vụ nuôi. Có thời điểm lên đến hơn 1.000 con. Trung bình mỗi tháng, ông xuất bán ra thị trường 200-300 con dê thịt.

Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu hàng tỷ đồng mỗi năm - 4

Trung bình mỗi tháng, trang trại của ông Toản xuất bán 200-300 con dê thịt (Ảnh: Thanh Tùng).

"Tôi nuôi dê không chỉ cung cấp cho chuỗi nhà hàng của mình mà còn xuất bán đi các nơi như Hà Nội, thành phố Thanh Hóa, Ninh Bình và các huyện lân cận trong vùng. Hai năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng sản xuất, tiêu thụ có giảm hơn so với thời kỳ trước", ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, gia đình ông hiện chuyên bán dê thịt thương phẩm, không cung cấp con giống. Giá thịt dê sau khi chế biến dao động 330.000-350.000 đồng/kg đổ buôn, 450.000 đồng/kg bán lẻ.

Với quy mô hiện tại, cơ sở của ông Toản đang tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên, với mức lương 4-10 triệu đồng/tháng, tùy vị trí công việc. Năm 2018, để mở rộng thị trường, ông thành lập công ty chuyên cung cấp thịt dê, do ông làm Giám đốc. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí ông thu về 1,5-2 tỷ đồng.

Nói về kinh nghiệm làm giàu, theo ông Toản, làm kinh tế trang trại rất vất vả. Vì vậy, để có được thành công phải có sự đam mê, kiên trì và quyết tâm.

Cậu bé chăn vịt thành ông chủ trang trại thu hàng tỷ đồng mỗi năm - 5

Hệ thống chuồng trại được đặt dưới chân núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi dê (Ảnh: Thanh Tùng).

"Làm nghề nào phải yêu nghề đó. Tôi đến với nghề nuôi dê và đàn dê đã đem lại thu nhập, cuộc sống sung túc cho tôi và gia đình. Vì vậy, tôi yêu dê như yêu con của mình. Làm nghề gì mà không yêu thì cũng rất nhanh chán", ông Toản nói.

Bà Phạm Thị Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nga An, huyện Nga Sơn cho biết, trại nuôi dê của ông Toản là mô hình điển hình trong phát triển kinh tế trang trại ở địa phương.

"Ông Toản là người tiên phong trong nghề nuôi dê và đây đang là mô hình trang trại có quy mô lớn nhất huyện Nga Sơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài nuôi dê, ông còn làm chủ chuỗi 3 cửa hàng chuyên về thịt dê, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Từ một nông dân thuần túy, đến nay ông Toản đang trở thành ông chủ, là gương kinh tế điển hình ở địa phương", bà Chiến cho biết.