Cánh tay nối dài
Nhu cầu tư vấn pháp luật cho công nhân ngày càng lớn song hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn còn nhiều hạn chế
Luật sư Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ quận Bình Thạnh tư vấn pháp luật lưu động cho người lao động.
Mới đây, sau quá trình xét xử các vụ kiện của các đối tác liên quan đến khoản nợ cũ của Công ty TNHH Hojin (quận Bình Tân, TP HCM), Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã bán thanh lý tài sản của công ty. Như vậy, sau gần 8 năm chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, 157 công nhân (CN) mới có cơ hội đòi lại quyền lợi nhờ sự đeo bám kiên trì của đội ngũ cán bộ Tổ Tư vấn pháp luật (TVPL) LĐLĐ quận Bình Tân.
“Chúng tôi đang hỗ trợ CN hoàn thiện hồ sơ khởi kiện nhằm đòi lại các khoản tiền lương và BHXH” - bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết.
Kiên trì đòi nợ cho công nhân
Đây chỉ là một trong nhiều vụ tranh chấp điển hình khẳng định rõ nét dấu ấn hoạt động trợ giúp pháp lý cho CN được hệ thống TVPL Công đoàn (CĐ) TP HCM thực hiện nhiều năm qua. “Ở rất nhiều vụ tranh chấp liên quan đến tiền lương, BHXH, do chủ DN đột ngột bỏ trốn, thủ tục khởi kiện nhiêu khê nên số đông CN rất hoang mang, thậm chí có tâm lý buông xuôi.
Nếu không được tư vấn, hỗ trợ pháp lý kịp thời, chắc chắn họ sẽ bỏ cuộc và có nguy cơ mất trắng quyền lợi” - ông Trần Văn Triều, Phó Giám đốc Trung tâm TVPL CĐ TP HCM, cho biết.
Hơn 41.000 trường hợp được hệ thống TVPL LĐLĐ TP hỗ trợ pháp lý từ năm 2008 đến nay. Bất chấp khó khăn chủ quan từ phía chủ DN khi không tạo điều kiện để CĐ tuyên truyền pháp luật cho CN, các cấp CĐ vẫn linh hoạt tiếp cận CN để phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhằm giúp họ hiểu và hành xử đúng luật. Khi hiện tượng chủ DN bỏ trốn, xù quyền lợi của CN rộ lên, TP HCM là địa phương đi đầu trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho CN đòi quyền lợi.
Điển hình như vụ tranh chấp ở Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry (quận 8), sau gần 5 năm kiên trì đeo bám và hỗ trợ pháp lý, LĐLĐ quận 8 đã giúp CN đòi 1,9 tỉ đồng quyền lợi.
Thực tế sinh động tại TP HCM đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho CN của CĐ các cấp. Từ năm 2008 đến nay, 15 trung tâm, 37 văn phòng và gần 600 tổ TVPL của hệ thống CĐ Việt Nam đã tư vấn pháp luật cho gần 213.000 lượt người qua các hình thức tư vấn trực tiếp, gián tiếp và lưu động đến từng khu nhà trọ CN, DN. Đặc biệt, cán bộ TVPL của hệ thống CĐ còn đại diện, bảo vệ người lao động (NLĐ), đoàn viên tại tòa 2.551 vụ, qua đó giúp NLĐ lấy lại quyền lợi trên 14,3 tỉ đồng.
Đạt được những thành tích khả quan song theo bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, quan hệ lao động ngày càng diễn biến phức tạp đòi hỏi hoạt động TVPL CĐ phải được nâng tầm, đổi mới toàn diện thì mới đáp ứng nguyện vọng CNVC-LĐ. “Làm tốt công tác TVPL, CĐ không chỉ giúp CN hiểu và hành xử đúng luật mà còn thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ” - bà Hà nói.
Năng động vượt khó
Lợi ích của công tác TVPL đối với CN là rất lớn song trong thực tế, hoạt động của các trung tâm TVPL CĐ còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là về cơ chế và công tác đào tạo đội ngũ cán bộ. Ông Phùng Văn Nam, tư vấn viên Trung tâm TVPL tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Nhu cầu TVPL cho CN rất lớn song lực lượng tư vấn viên quá mỏng, chế độ đãi ngộ thấp nên việc thu hút cán bộ có tâm huyết và năng lực hết sức khó khăn”.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động TVPL do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành đã nêu ra hàng loạt khó khăn trong hoạt động TVPL. Trước đây, để bảo vệ quyền lợi CN tại tòa, chỉ cần trung tâm TVPL cử tư vấn viên (có giấy giới thiệu của LĐLĐ tỉnh) là tòa chấp nhận. Nay theo quy định mới, người đại diện cho CN phải là luật sư, điều này buộc các TVPL phải hợp đồng với người bên ngoài.
Vướng mắc khác, theo đại diện các trung tâm TVPL là theo Nghị định 77/2008/NĐ-CP, luật sư có thể là giám đốc trung tâm TVPL (là công chức, viên chức) nhưng Luật Luật sư lại không cho phép luật sư là công chức, viên chức. Mâu thuẫn trên gây khó cho công tác bố trí, tuyển dụng cán bộ trung tâm TVPL hiện nay.
Trong khó khăn chung ấy, các trung tâm TVPL hệ thống CĐ vẫn có cách làm sáng tạo, xây dựng niềm tin nơi CN. Trong số 15 trung tâm TVPL, Trung tâm TVPL tỉnh Đồng Nai là đơn vị bảo vệ hiệu quả quyền lợi NLĐ tại tòa án. Ngoài TVPL miễn phí cho CN, 6 năm qua, trung tâm đã trực tiếp bảo vệ tại tòa cho 475 vụ, số vụ thắng kiện chiếm trên 95%, đòi lại cho CN số tiền 6 tỉ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Vũ Ngọc Hà, phụ trách trung tâm TVPL tỉnh Đồng Nai, cho biết trung tâm luôn đa dạng cách thức tư vấn để giúp CN tiếp cận pháp luật, vừa hành xử đúng luật vừa có thể tự bảo vệ mình. Đặc biệt, để giải bài toán về kinh phí, ngoài tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho CN, đội ngũ luật sư và tư vấn viên của trung tâm còn tham gia tư vấn trong lĩnh vực dân sự, hình sự hoặc cân nhắc tư vấn pháp luật cho DN.
Tại TP HCM, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật lao động trong CNVC-LĐ, bên cạnh đội ngũ chuyên viên của trung tâm TVPL, LĐLĐ TP HCM thành lập 28 tổ TVPL tại các quận, huyện và KCX-KCN. Sự linh hoạt này không chỉ gỡ khó cho trung tâm mà còn giúp tổ chức CĐ dễ dàng nắm bắt diễn biến quan hệ lao động tại cơ sở.
“Trung tâm TVPL chính là cánh tay nối dài của tổ chức CĐ trong việc đưa chính sách, pháp luật của nhà nước đến với NLĐ. Sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam có kiến nghị sửa đổi Nghị định 77 cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là việc hoàn thiện cơ chế hoạt động, đào tạo và đãi ngộ dành cho đội ngũ tư vấn viên” - Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. |
Theo Thanh Nga/Báo Người Lao Động