Cảnh báo nạn làm giả hồ sơ xin việc

Đứng trước “cơn sốt việc làm” và yêu cầu quá cao của các nhà tuyển dụng, nhiều lao động đã bị một số Trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM sử dụng hồ sơ xin việc giả để bán và dụ dỗ.

Mới đây, Công an quận Bình Tân đã khám phá vụ án “mua bán, sử dụng giấy tờ, con dấu giả để hợp thức hóa hồ sơ xin việc làm” do Võ Công Giàu (SN 1970), ngụ xã Hoà Khánh Tây, Đức Hoà, Long An cầm đầu. Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, Giàu tự mua con dấu giả và các tài liệu, tự làm các loại giấy tờ trong hồ sơ xin việc và móc nối với một số điểm giới thiệu việc làm (GTVL) để lừa gạt người lao động.

 

Giàu đã bán hồ sơ giả cho nhiều người với giá 200.000đ/bộ và với bộ hồ sơ này với “cam kết” sẽ đảm bảo cho người lao động có thể tự tin khi xin việc ở bất cứ doanh nghiệp nào.

 

Qua khám xét của cơ quan Công an quận Bình Tân đã phát hiện Giàu mang theo nhiều loại giấy tờ giả liên quan đến hồ sơ xin việc, CMND đã được sửa lại và dán hình người khác. Một số dấu mộc gồm: UBND xã Hiệp Ninh - Hoà Thành Tây Ninh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận 6 (TPHCM) và một số dấu khắc tên một số cán bộ, lãnh đạo của cơ quan chủ quản.

 

Giàu khai nhận đã thực hiện hành vi này từ tháng 11/ 2004 và móc nối với 9 điểm GLVL trên địa bàn quận Bình Tân và bán được rất nhiễu hồ sơ xin việc làm cho người lao động.

 

Khám xét tại điểm GTVL số E4/ 2D, khu phố 5, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân do Phạm Phú Quyền điều hành, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại đây có hành vi làm giả con dấu.

 

Tại cơ quan điều tra, Quyền đã khai nhận có mua giấy tờ giả của Giàu để bán cho người lao động, đồng thời Quyền cũng tự đặt làm con dấu giả của khoa khám bệnh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để làm giả phiếu khám sức khỏe, bổ sung hồ sơ xin việc bán cho người lao động và các trung tâm GTVL nếu có yêu cầu.

 

Việc làm giả hồ sơ xin việc sẽ bị ảnh hưởng đến các quyền lợi chính đáng như tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

 

Trên thực tế, việc thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM một phần là do thực lực người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, áp lực này đã khiến người lao động phải nhờ người khác “lo giùm” để mong có được một việc làm. 

 

Để tránh những hậu quả khó lường, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cần xem xét kỹ hồ sơ xin việc, không nên vì thiếu lao động mà nhận bừa, nhận ẩu đề rồi phải gánh những hậu quả đáng tiếc…

 

Theo Công An Nhân Dân