Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình
(Dân trí) - Có thể xem gia đình, sự nghiệp giống như hai đường thẳng chéo nhau nhưng không phải ai cũng nhanh chóng tìm ra điểm chung đó. Tại sao phải đánh đổi “một mất một còn” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dung hòa hai yếu tố này theo những cách sau.
Tại sao phải đánh đổi “một mất một còn” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dung hòa hai yếu tố (ảnh minh họa: Internet)
Chuyên gia Dahanashee chia sẻ: “Trong cuộc sống hiện đại, hầu hết mọi người đều chạy theo tiếng gọi của danh vọng bởi họ cho rằng đó là hạnh phúc đích thực. Sau nhiều ngày rong duổi trên con đường sự nghiệp họ mới bất chợt nhận ra hạt giống nuôi dưỡng hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà ở ngay trong ngôi nhà thân thương là những người thân yêu. Nói như vậy không mang nghĩa phủ nhận tầm quan trọng của sự nghiệp, nhưng điều đáng nói là sự nghiệp, gia đình là hai yếu tố cốt lõi của cuộc sống. Tại sao phải đánh đổi “một mất một còn” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dung hòa hai yếu tố này theo những cách sau”.
Tìm kiếm sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình
Trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng, sẽ không ít lần bạn cảm thấy mình hơi thiên vị một trong hai khía cạnh hoặc quá khó để có thể làm tốt ở khía cạnh còn lại. Nhưng điều quan trọng là thời gian, hãy cố gắng phân bổ dòng thời gian của mình một cách hợp lý để thu hẹp dần khoảng cách giữa công việc và gia đình.
Phân phối tải trọng công việc
Giao tiếp là chìa khóa cho tất cả mọi vấn đề, đặc biệt là trong công việc. Hãy ngồi và thảo luận với các đối tác (hoặc đồng nghiệp) của bạn về những kế hoạch công việc. Chú trọng đến những ưu tiên và mục tiêu ngắn hạn. Có kế hoạch phân phối tải trọng công việc cho các đồng nghiệp một cách hợp lý để phần công việc được rải đều cho mỗi thành viên. Mỗi người chịu trách nhiệm với phần công việc họ được giao phó. Như vậy bạn sẽ bớt gánh nặng trong công việc và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Không pha trộn công việc và gia đình với nhau
Cố gắng dành thời gian tốt nhất cho công việc và gia đình. Đừng bao giờ biến gia đình thành “cơ quan” thứ hai. Hạn chế mang công việc về nhà giải quyết. Để làm được điều này, hãy chắc chắn là bạn đã làm việc hết công suất ở công ty, ưu tiên giải quyết các vấn đề quan trọng trước tiên và không để việc gia đình xen ngang khi bạn đang làm việc (trừ những trường hợp khẩn cấp).
Công việc hỗ trợ cuộc sống của bạn chứ không phải làm chủ cuộc sống của bạn, vì thế hãy kiểm soát thời gian làm việc. Đề xuất với ông chủ (nếu có) về trách nhiệm công việc của bạn nghĩa là các ngày trong tuần bạn sẽ làm việc hết mình, ông chủ có thể giao cho bạn số lượng công việc nhiều hơn bình thường. Khi bạn hoàn thành hết số lượng đó, hai ngày cuối tuần sẽ là thời gian bạn dành hoàn toàn cho gia đình thân yêu.
Thư giãn
Giúp cơ thể và tinh thần thư giãn bằng cách tập thể dục, bạn sẽ có một sức khỏe tuyệt vời và một “cái đầu” minh mẫn. Hoặc bạn cũng có thể thư giãn bằng cách massage, đây được xem là một phương pháp hiệu quả không kém gì tập thể dục hàng ngày.
Dành thời gian riêng cho bạn và người ấy
Ngay cả khi bạn đã có gia đình, bạn cũng đừng nên quên “hâm nóng” lại tình cảm của hai bạn bằng những ngày cuối tuần lãng mạn. Có thể cùng nhau đi picnic hoặc đơn giản là cùng nhau đi công viên, đi cà phê hoặc cùng thưởng thức một món ăn mà cả hai cùng thích. Nhiều khi những cử chỉ, những hành động nhỏ lại mang đến hiệu ứng bất ngờ, đó sẽ là sợi dây kết nối sự thân thiết trong gia đình nhỏ bé của bạn.
Dành thời gian chơi với con
Bất kể khi nào có thời gian rảnh bạn cũng nên dành cho con mình. Hãy chơi với con nhiều nhất có thể, đó không chỉ giúp bạn thân thiết với con mình hơn mà còn giúp bạn thư giãn hiệu quả. Ngoài ra, những ngày cuối tuần, bạn cũng nên đưa gia đình đi chơi đâu đó, không công việc, không ti vi, không điện thoại,... chỉ có bạn và gia đình mà thôi.