1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cái kết của nữ công nhân có tuổi, mẹ đơn thân cố bám trụ nhà trọ chờ đi làm

Hoa Lê

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo, những lao động không có kỹ năng, tay nghề sẽ gặp nhiều khó khăn trong đàm phán mức lương và thường phải chấp nhận thu nhập thấp, dễ bị cắt giảm, đào thải.

Lao động nào ở vị thế khó đàm phán lương, dễ bị sa thải?

Tại hội thảo "Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư" diễn ra sáng 25/8, Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động TPHCM (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI) Nguyễn Lê Nhật Thanh cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp thay đổi theo hướng tự động hóa, nhà máy thông minh, giám sát từ xa… nhờ biến động của thị trường, cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức cho việc tái đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng, tay nghề cho người lao động.

Tại hội thảo, ông Thanh kể trường hợp người lao động bị sa thải trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm đơn hàng được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Đó là người phụ nữ có tuổi, làm mẹ đơn thân. Lao động này từ miền Tây đến Bình Dương xin vào làm công nhân may. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, nữ công nhân vẫn bám trụ trong khu nhà trọ chật hẹp để chờ đi làm trở lại.

Tuy nhiên, cuối năm 2022, trong bối cảnh doanh nghiệp may gặp khó khăn về đơn hàng, chị nằm trong số lao động cắt giảm việc làm. Chị phải di cư ngược về quê.

gioi-su-dung-lao-dong

Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động TPHCM (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI) Nguyễn Lê Nhật Thanh.

Theo ông Thanh, nữ công nhân này là ví dụ điển hình cho nhóm lao động không có kỹ năng, dễ bị cắt giảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tháng 1/2023, VCCI phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát báo cáo tác động Covid-19 đến lao động di cư. "Chúng tôi khảo sát các ngành nghề dệt may, da giày… Kết quả, có 18/41 doanh nghiệp khảo sát cho biết thiếu hụt lao động, trong đó, 77% đơn vị thiếu hụt lao động phổ thông và lao động tay nghề, có chuyên môn cao", ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết, báo cáo cho thấy doanh nghiệp cần lao động có tay nghề, có kỹ năng số. Bên cạnh đó, họ ưu tiên người lao động trẻ tuổi, khỏe mạnh.

Thực tế phải chấp nhận 

Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động TPHCM nêu trường hợp nam công nhân 27 tuổi, làm việc tại một công ty ở Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp THPT, người này muốn đi học nghề cơ khí, xin vào làm việc tại công ty có thu nhập ổn định hơn so với việc làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, tiền học phí 25 triệu/tháng, quá cao so với khả năng chi trả của gia đình.

Vì vậy, người này phải bỏ lỡ giấc mơ xin làm công nhân kỹ thuật. Ông Thanh cho biết, khi vào nhà máy làm việc, lao động trên được đào tạo từ thế hệ đi trước, không qua quy trình đào tạo.

"Khi vào công ty, lao động nhận mức lương thấp nhất, không có căn cứ gì để đàm phán được mức cao hơn, công ty yêu cầu làm đâu thì làm đó. Đây là thực tế người lao động phổ thông chưa có tay nghề đang phải chấp nhận", ông Thanh chia sẻ.

Dựa vào tình hình thị trường thực tế hiện tại, Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động TPHCM đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường nâng cao nhận thức về kỹ năng số cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần thực hiện chương trình nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng số cho người lao động hiện tại.

Về vĩ mô, cần đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng thông suốt, giảm khoảng cách, chênh lệch giữa hạ tầng ở thành thị và nông thôn. Đồng thời, cũng cần có cơ chế liên kết doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

"Chúng ta cần có nền giáo dục linh hoạt với sự tham gia của doanh nghiệp. Ở đây, làm sao có sự công nhận với người lao động khi tham gia đào tạo tại doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần khảo sát nhu cầu, mong muốn của người lao động, có kế hoạch đào tạo hàng năm", ông Thanh nhấn mạnh.