Cả nước tạo việc làm mới cho 1.641.000 lao động

(Dân trí) - Đây là thông tin được bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, công bố chiều 9/1 tại Hà Nội. Kết quả trên đạt 102,5% kế hoạch và tăng 1% so với thực hiện năm 2015, trong đó tạo việc làm trong nước cho 1,51 triệu người, xuất khẩu lao động 126.000 người.

Cả nước tạo việc làm mới cho 1.641.000 lao động - 1

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,30%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có 574.310 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trong năm 2016, tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2015. Số người có quyết định hưởng TCTN là 566.820 người, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2015.

“Về phát triển thị trường xuất khẩu lao động, Bộ LĐ-TB&XHXH đã đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS). Đây là nỗ lực khơi thông thị trường XKLĐ Hàn Quốc sau 4 năm tạm ngừng việc tiếp nhận lao động VN” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận lao động Việt Nam - Thái Lan.

Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu về chất lượng lao động của thị trường trong nước và thị trường lao động quốc tế; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; triển khai các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh sang làm việc Nhật Bản, lao động giúp việc gia đình tại Ả - rập Xê - út…

Về thực hiện chính sách người có công, qua kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Bộ LĐ-TB&XH đã xác định mục tiêu ưu tiên giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ, xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An).

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, thời điểm này đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ: 2 tỉnh Lai Châu và Bắc Kạn không có hồ sơ tồn đọng, Đà Nẵng còn 14 hồ sơ, Thái Bình còn 23 hồ sơ và Long An có 13 hồ sơ. Ước tính đến cuối năm 2016, có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi cho 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng. Thực hiện cải cách hành chính, đến cuối năm 2016 đã có 45 tỉnh, thành phố chuyển chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện.

Hoàng Mạnh