1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cả nước có 126.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

(Dân trí) - Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên còn 126.900 người, giảm 15.400 người so với quý trước đó. Tuy nhiên, số người có trình độ đại học có việc làm mới đúng với trình độ hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Cả nước có 126.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - 1

Đây là số liệu từ Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 2/2018, được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố hôm 18/9 tại Hà Nội.

Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - số lượng và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm nhẹ so với quý 1/2018 và cùng kỳ năm trước.

Phân tích về tỉ lệ thất nghiệp theo trình độ, ông Đào Quang Vinh cho biết: “Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 126.900 người, giảm 15.400 người so với quý 1/2018”.

Số liệu thất nghiệp của nhóm trình độ từ đại học trở lên có xu hướng giảm là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên việc phản ánh thực chất thì vẫn cần những nghiên cứu sâu hơn.

Phát biểu tại buổi công bố Bản tin, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp thẳng thắn thừa nhận: “Một trong những hạn chế của Bản tin quý 2/2018 cần khắc phục là chưa phân tích rõ về sự tương quan giữa công việc mà người lao động đang làm và trình độ đang có”.

Theo Bản tin khảo sát thị trường lao động Quý 2/2018, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở vùng Đông Nam Bộ (2,84%, tăng mạnh so với quý trước là 0,45%), tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (2,62%); tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở vùng Trung du miền núi phía Bắc (1,07%) và Tây Nguyên (1,37%).

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lưu ý tình trạng lao động làm công việc thấp hơn trình độ đang có.

“Muốn làm rõ hơn thực trạng này, chúng ta cần sự nghiên cứu kỹ hơn về công việc đang làm của nhóm lao động trình độ đại học” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Thứ trưởng dẫn chứng, thị trường lao động vẫn còn nhiều trường hợp bạn trẻ có bằng đại học chấp nhận làm công việc ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Thậm chí là giấu bằng đại học đi làm công nhân.

“Có thể với trình độ đại học, họ sẽ phải chờ đợi công việc tương xứng lâu quá. Bởi vậy họ đành tạm chấp nhận công việc khác. Đây có thể là một trong những lý do khiến tỉ lệ thất nghiệp số lao động trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp giảm xuống thấp ở quý 2/2018” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận xét.

Phân tích về tỉ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ cao đẳng, trung cấp - “sản phẩm” của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, ông Đào Quang Vinh cho rằng có nhiều tín hiệu tích cực.

Về nhóm lao động có trình độ cao đẳng, khảo sát của Bản tin cho thấy có khoảng 70.800 người thất nghiệp, giảm 18.000 người so với quý 1/2018.

Nhóm trình độ “sơ cấp nghề” tăng nhẹ 3,5 nghìn người so với quý 1/2018 với số lượng là 23,6 nghìn người và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 1,31% (quý trước là 1,12%).

“Thất nghiệp ở nhóm lao động trình độ cao đẳng và trung cấp đều giảm. Đặc biệt là nhóm cao đẳng giảm mạnh. Đây có thể là sự thay đổi gần đây trong cách tiếp cận của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp” -ông Đào Quang Vinh dự đoán.

Ngoài ra, ông Đào Quang Vinh cũng cho rằng, sự nhận thức của xã hội về vấn đề việc làm của người học nghề đã có nhiều thay đổi.

“Ngoài ra, kết quả của các cơ sở giáo dục gần đây đều cho thấy: Số lượng học viên tham gia và học viên tốt nghiệp có việc làm đã tăng hơn so với thời gian trước” - ông Đào Quang Vinh nói.

Hoàng Mạnh