1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Cả làng thoát nghèo nhờ nuôi bò lai vỗ béo

Doãn Công

(Dân trí) - Từ chỗ số hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn phân nửa, đến nay, làng An Đôn (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định) chỉ còn 3 hộ nghèo, cuộc sống người dân sung túc nhờ nuôi bò lai vỗ béo.

Theo ông Lê Thanh Bình, Trưởng thôn An Đôn (xã Ân Phong) cho biết, toàn thôn có 110 hộ dân, trừ các hộ già cả, neo đơn và hộ ở ghép, hiện có khoảng 80 hộ nuôi bò vỗ béo và sinh sản với tổng đàn hơn 350 con bò.

Cả làng thoát nghèo nhờ nuôi bò lai vỗ béo - 1

Sau khi liên tục thua lỗ do đàn heo mắc dịch tả lợn Châu Phi, gia đình ông Sơn chuyển qua nuôi bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bình kể, trước đây, phát triển kinh tế của người dân An Đôn chủ yếu trồng lúa và nuôi heo. Nhưng bây giờ, cây lúa chỉ là phụ, người dân chuyển nuôi heo sang nuôi bò vỗ béo là chủ yếu, sau mấy đợt nuôi heo thất bát vì dịch tả lợn Châu Phi.

"Giờ chỉ trồng lúa thì chẳng có ăn, vì phân bón, xăng dầu tăng giá, kéo theo công máy gặt, máy cày… đều tăng. Tính ra, sau khi trừ hết các khoản chi phí, trồng lúa không có dư, thậm chí gặp năm thiên tai mất mùa thì mất trắng. Nếu chỉ nhìn vào cây lúa, đời sống người dân sẽ mãi không khấm khá được", ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, vài năm trước, người dân An Đôn hầu hết trắng tay vì nuôi lợn dịch tả lợn Châu Phi nên mới chuyển qua nuôi bò vỗ béo và sinh sản.

Cả làng thoát nghèo nhờ nuôi bò lai vỗ béo - 2

Mỗi hộ dân ở An Đông thường nuôi từ 4-5 con bò vừa để sinh sản vừa vỗ béo, lấy thịt.

"Vài năm gần đây, người dân chuyển qua nuôi bò là chủ yếu. Gia đình nuôi nhiều thì khoảng 13-14 con, ít thì cũng 3-4 con. Nhờ nuôi bò mà đời sống ngày càng ổn định, sung túc hơn, nhà cửa khang trang, con em vào đại học nhiều hơn", ông Bình phấn khởi.

Ông Bình còn khoe, mới vừa qua, đoàn thanh niên các xã ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tổ chức đoàn đến thăm quan, học tập mô hình nuôi bò vỗ béo của thôn An Đôn.

Vợ chồng ông Võ Ngọc Sơn là một trong những gia đình điển hình nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản ở thôn An Đôn. Ông Sơn chia sẻ, thời điểm nghề nuôi heo ở huyện Hoài Ân đang "thịnh", trong chuồng heo của gia đình ông lúc nào cũng có vài chục con. Tuy nhiên, sau đó, đàn heo bị chết liên tiếp vì dịch tả lợn Châu Phi khiến gia đình thua lỗ nặng.

"Từ khi bị dịch tả lợn Châu Phi, heo chết hàng loạt nên tôi cũng như người dân ở An Đôn chuyển qua nuôi bò. Ngoài những hộ người cao tuổi, còn dù ít hay nhiều, nhà nào cũng nuôi 2-3 con tới hơn chục con bò. So với nuôi heo thì nuôi bò rủi ro ít hơn vì con bò ít bị dịch bệnh và có bệnh cũng điều trị dễ hơn", ông Sơn cho hay.

Hiện, gia đình ông Sơn đang nuôi hơn 10 con bò giống 3B và bò lai Pháp. Theo ông Sơn, đây là những giống bò ăn tạp, nhanh lớn nên giá trị kinh tế cao.

"Thông thường một con bò 3B mua trên 18 - 20 triệu đồng, sau 7-8 tháng vỗ béo, bán được từ 40-45 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình lãi 100 triệu đồng. Ở quê đó là số tiền lớn rồi. Đó cũng là nguồn thu nhập chính để vợ chồng tôi nuôi 3 con ăn học đại học", vợ ông Sơn bộc bạch.

Cả làng thoát nghèo nhờ nuôi bò lai vỗ béo - 3

Nuôi bò vỗ béo cũng là một thế mạnh của nông dân huyện Hoài Ân, bởi cách nuôi khoa học đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Võ Duy Tín - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết, bên cạnh việc phát triển chăn nuôi heo, nghề nuôi bò cũng được chú trọng. Đặc biệt, UBND huyện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò vỗ béo và chăn nuôi bò sinh sản, giúp người dân thoát nghèo. Hiện tổng đàn bò trên địa bàn huyện hiện có 20.000 con. 

"Một ưu điểm của nghề chăn nuôi bò so với các loại vật nuôi khác không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn do lợi ích lớn về mặt môi trường. Toàn bộ chất thải chăn nuôi bò đều được thu hồi làm phân bón cho các loại cây trồng, người nuôi không phải tốn chi phí xây dựng hệ thống xử lý, môi trường được đảm bảo", ông Tín nói thêm.