1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bươn chải vào đời

Sinh viên ở Hà Nội đã quen với 2 khu chợ đêm Dịch Vọng (Cầu Giấy) và Phùng Khoang (Thanh Xuân). Đây không chỉ là điểm mua sắm của sinh viên mà còn là chốn mưu sinh, trải nghiệm thực tế cuộc sống của rất nhiều bạn trẻ.

Kiếm thêm thu nhập

 

6h30 tối, tôi theo Hoàng Xuân Trường - SV năm thứ hai Trường Cao đẳng Xây dựng - đến chợ Phùng Khoang dọn hàng. Trường bán tranh, ảnh thuê ở chợ Phùng Khoang được 3 tháng nay. Tuy mới vào nghề, nhưng mỗi tối Trường cũng bán được khoảng 120-150 ngàn tiền hàng và mỗi tối như vậy, cậu được chủ hàng trả thù lao 20.000 đồng. Trường tâm sự: “Nếu chăm chỉ cóp nhặt thì số tiền 600.000 đồng kiếm được mỗi tháng cũng đủ để em trang trải tiền thuê nhà, ăn uống. Như vậy là bớt được một khoản đáng kể phải xin gia đình”.

 

Cũng nhận bán thuê tranh cho một chủ hàng, nhưng Bùi Đức Thọ - SV năm thứ ba ĐH Bách khoa Hà Nội - tỏ ra có thâm niên bởi cậu đã khá “nhẵn mặt” với SV ở khu chợ đêm Dịch Vọng - Cầu Giấy. Thọ cho biết: Là chợ SV nên không thể bán đắt và cũng chẳng dám nói thách nên mỗi buổi chợ chỉ là “lấy công làm lãi” chứ không mong hưởng chênh lệch giá ở những bức tranh giá chỉ có 2.000-5.000 đồng.

 

Dạo một vòng qua các chợ đêm rất dễ nhận thấy những cậu chủ, cô chủ SV trong vai trò bán hàng thuê như Trường và Thọ rất nhiều. Nhanh nhạy, khéo léo và am hiểu tâm lý của đồng môn chính là ưu thế để họ được tuyển vào chân bán hàng và thù lao kiếm được mỗi tối cũng giúp họ giảm bớt gánh nặng cơm áo vốn ngày càng đắt đỏ ở đất Hà thành.

 

Trải nghiệm

 

Với không ít SV, chợ đêm là chốn thử nghiệm những kiến thức đã được học trong trường hay chí ít là trải nghiệm vốn sống ít ỏi  tích lũy được. Bình - SV vừa tốt nghiệp CĐ Kinh tế - được gia đình ưu ái giao cho chút lưng vốn nho nhỏ bán dây lưng, ví da... với mong muốn là cậu có thể thực hành kiến thức học được ở trường vào thương trường.

 

Theo Bình: Vốn không phải là vấn đề lo ngại vì cậu có thể quay vòng vốn nhanh bởi tiền hàng mỗi tháng thu được cũng ở mức 1-2 triệu đồng, cộng với tiền chi phí cho địa điểm, vé chợ... mất khoảng 500-600 ngàn đồng/tháng. Nói chung, công việc cũng nhẹ nhàng, không có gì phải tính toán phức tạp nên Bình chỉ coi đó là va chạm thực tế chút ít chứ nói thực hành những gì đã học được như bố mẹ thì to tát quá.

 

Khác với Bình, Nguyễn Văn Quyết - quê ở Hà Nam hiện đang ôn thi vào Trường ĐH Xây dựng (hệ tại chức) - phải thuyết phục “gãy lưỡi” bố mẹ cậu mới cấp cho số vốn hơn 4 triệu đồng để mở một sạp hàng bán quần áo ở chợ đêm. Ngày đi ôn thi, tối trực chiến ở chợ từ 6h30 đến 11h, một mình cậu phải lo xoay xở từ khâu chọn mẫu cất hàng, bán hàng, cân đối lỗ lãi...

 

Mới bước vào kinh doanh nên chưa dám chắc điều gì nhưng với Quyết đây là cơ hội để khẳng định bản thân, trải nghiệm những thực tế mà cậu đã va vấp trong cuộc sống và hơn hết là muốn kiếm một chút vốn đủ lo cho mình trong 4 năm ăn học đại học ở thủ đô.

 

Theo Ngọc Lan

Lao Động