1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bươn chải trên đồi cát bay

Từ khoảng vài chục phụ nữ và trẻ em, “đội quân” bán hàng rong, cho thuê ván trượt trên đồi cát Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận giờ đã lên đến gần 400 người nên việc mưu sinh càng lúc càng khó khăn

Nắng như đổ lửa kèm theo gió rít từng chặp. Rảo bước trên đồi cát bay Mũi Né (phường Mũi Né, TP Phan Thiết), chân tôi như giẫm lên đống than bỏng cháy. Cả không gian nhuốm vị sượng của cát, vị tanh nồng của biển và phảng phất vị mặn của những giọt mồ hôi. Xa xa là hình bóng của những “bóng hồng”, những khuôn mặt trẻ thơ. Họ đang hối hả thu dọn những đôi quang gánh nặng trĩu, những tấm ván trượt cát cong vênh vì nắng để trốn chạy cái nóng hầm hập.

Nhọc nhằn đời cát

12 giờ, khi đồi cát Mũi Né vắng bóng du khách cũng là lúc hàng trăm phụ nữ, trẻ em bán hàng rong và cho thuê ván trượt cát tạm ngừng công việc mưu sinh. Họ tụ tập dưới những gốc cây dương mọc ít ỏi quanh đồi cát để trốn cái nắng bỏng rát.

Dưới cái nắng đổ lửa, họ vẫn rảo bước mời khách du lịch trượt ván cát
Dưới cái nắng đổ lửa, họ vẫn rảo bước mời khách du lịch trượt ván cát

Với những phụ nữ, giữa trưa là khoảng thời gian thảnh thơi nhất để có thể tựa lưng vào gốc cây tranh thủ chợp mắt. Đây cũng là dịp để họ hỏi han, hàn huyên với nhau về chuyện buôn bán, về phận đời, phận người. Những đứa trẻ cũng tranh thủ ra một góc để cùng nhau chơi trò trốn tìm.

Lôi xấp ván trượt cát lâu ngày đã có nhiều tấm bị rách, chị Trần Thị Tâm (37 tuổi; ngụ khu phố 12, phường Mũi Né) than thở với mấy người bạn: “Lại phải chuẩn bị chạy tiền để thay mới mớ ván trượt này. Mấy hôm nay khách chê rách quá nên không ai thuê cả”. Chị Hoa, chị Ngọc - hai người bạn của chị Tâm - đồng thanh: “Của tôi cũng rách hết rồi. Trời nắng quá, khách trượt cũng không giữ gìn. Khi ván trượt bị hư, họ cũng chẳng đền nên đành chịu”.

Trước đây, chị Tâm cùng chồng làm nghề biển ở làng chài Mũi Né. Tai họa bất ngờ ập xuống khi chồng chị bỗng lâm bệnh nặng và ra đi vĩnh viễn. Không còn người để nương tựa, chị đành phải cho cô con gái của mình nghỉ học theo mẹ về đồi cát bám víu mưu sinh qua ngày. Trong cõi lòng người mẹ, chị Tâm ray rứt nhất là không thể cho con mình ăn học đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. “Nhưng lo cái ăn, cái mặc còn chưa xong thì làm sao dám nghĩ đến cái chữ?” - người phụ nữ có khuôn mặt sạm nắng rầu rĩ.

Những phụ nữ tranh thủ lúc nghỉ ngơi để hỏi han, tâm sự với nhau
Những phụ nữ tranh thủ lúc nghỉ ngơi để hỏi han, tâm sự với nhau

Chị Tâm bỗng ngoắt tay gọi một phụ nữ đang quẩy đôi quang gánh bán bánh bột lọc lại để hỏi thăm. Chị này là Lê Thị Chúc, từ TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận lặn lội về đồi cát mưu sinh được 3 năm nay. Chưa kịp đặt đôi quang gánh xuống đất, chị Chúc nhanh nhảu hỏi mấy người bạn hàng: “Làm ăn được không? Từ sáng tới giờ, tôi bán được có mấy chục ngàn đồng, tối nay 3 mẹ con phải ăn bánh trừ cơm”.

Cũng như chị Tâm, chồng chị Chúc mất sớm. Vốn mắc bệnh hen suyễn mãn tính, một mình nuôi 2 đứa con nhỏ không nổi nên chị đành để chúng nghỉ học giữa chừng. Quay sang mấy người bạn, chị buồn bã: “Người mua thì ít, người bán thì ngày càng nhiều, kiểu này chắc phải rời đồi cát thôi”. Những người mưu sinh lâu năm trên đồi cát này cho biết trước đây, chỉ có khoảng vài chục người buôn bán nên thu nhập cũng ổn. Thời gian gần đây, đội quân bán hàng, cho thuê ván trượt nơi đây tăng lên chóng mặt nên buôn bán ngày càng khó khăn hơn.

Câu chuyện giữa nhóm phụ nữ đang dang dở thì bỗng có tiếng la thất thanh của mấy đứa nhỏ: “Cô Chánh xỉu rồi!”. Nghe vậy, mọi người bật dậy chạy lại thì thấy bà Nguyễn Thị Chánh đang ôm ngực thở hổn hển. Dường như đã quen thuộc cảnh này, người nhanh chóng lấy dầu gió xoa, người lấy nước và thuốc trong túi bà Chánh rồi cho uống. Vài phút sau, bà hồi tỉnh. Mọi người nhìn nhau than thở: “Khổ quá! Bị u vú mà chưa có tiền để đi mổ nên bệnh cứ hành riết”.

Như trong gia đình

Nghe tin mẹ lại lên cơn đau, em Nguyễn Thị Nga, con gái bà Chánh, hối hả chạy từ đỉnh đồi cát về. Vứt xấp ván trượt qua một bên, Nga nước mắt giàn giụa tiến lại gần trách mẹ: “Con đã bảo mẹ ở nhà, mẹ lại không nghe con…”.

Những người mưu sinh trên đồi cát bay này ai cũng biết hoàn cảnh của mẹ con bà Chánh. Gia đình khó khăn lại thêm bệnh tật bấu víu nên dù đau đớn nhưng ngày ngày, bà vẫn ra đồi cát kiếm sống. Với bà Chánh, có lẽ niềm an ủi và tự hào nhất chính là Nga, cô con gái đang học lớp 11 và luôn đạt học sinh giỏi toàn diện. Kể về Nga, những người bạn hàng của bà Chánh không ngớt lời khen ngợi: “Cháu ngoan lắm, hằng ngày cứ một buổi đi học, buổi thì ra đồi cát phụ mẹ. Sắp hè rồi, Nga tranh thủ làm cả ngày kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và dành dụm để chuẩn bị trang trải cho năm học mới”.

Nga còn may mắn hơn nhiều em nhỏ trên đồi cát này. Theo anh Nguyễn Văn Tâm, nhân viên quản lý Khu Du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, nhiều đứa trẻ mưu sinh ở đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa từng một ngày được đến trường.

Trò chuyện với ông Nguyễn Nam Long, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Mũi Né, tôi được biết, hiện nay, ở khu vực đồi cát bay Mũi Né có gần 400 phụ nữ và trẻ em bán hàng rong và cho thuê ván trượt cát. Trong đó, rất nhiều trẻ không được đi học. “Đã rất nhiều lần phường tiến hành thống kê, vận động gia đình đưa con em đến trường. Song, phần vì do hoàn cảnh khó khăn, phần vì số trẻ này đến từ rất nhiều nơi, nay đây mai đó nên việc vận động cũng gặp nhiều khó khăn” - ông Long cho biết.

Một ngày lao động cực nhọc, vất vả, nếu may mắn thì mỗi người cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng. “Dù khó khăn là vậy nhưng họ luôn ý thức giáo dục con cái mình lòng tự trọng. Vất vả nhưng được cái đứa trẻ nào cũng ngoan, không bao giờ xảy ra tình trạng móc túi, ăn cắp vặt. Có những khi du khách làm rớt tiền hay vật giá trị, tụi nhỏ nhặt được là tìm trả ngay” - anh Tâm cảm động.

Với những phụ nữ trên đồi cát này, họ xem nhau như người trong gia đình, sẻ chia ngọt bùi và cả đắng cay với nhau. Nói như chị Chúc, cuộc đời dù có nghèo đói đến đâu nhưng tình người vẫn là điều quan trọng. Bởi vậy, những người đang bám víu vào đồi cát bay này ai cũng thân nhau, biết tường tận về từng hoàn cảnh. Họ lo lắng, bất an khi hay tin chị Linh có chồng bị bạo bệnh phải vay tiền lãi suất cao, giờ phải bươn chải trả nợ. Họ bàng hoàng khi nghe chị Huyền vì tin người ta nên mất nhà cửa, trắng tay, phải trở lại đồi cát kiếm sống. Họ luôn đau đáu lo cho sức khỏe của bà Chánh vì đang bị khối u hành hạ từng ngày…

Chiều chạng vạng, cái nóng dịu hơn, khách du lịch cũng dần rời đồi cát. Những người mưu sinh cũng uể oải thu dọn đồ đạc về nghỉ ngơi. Chị Chúc chạy lại dúi vào tay Nga số tiền ít ỏi của mấy phụ nữ và trẻ em đóng góp, mỗi người 5.000-10.000 đồng, rồi dặn dò cẩn thận: “Về mua cho mẹ ăn chút gì ngon ngon để mẹ có sức khỏe nha con!”.

Đồi cát bay về chiều đã lặng gió. Vậy mà tôi như thấy có hạt cát vừa bay vào mắt, xốn xang…

Chưa một ngày đến trường

Năm nay 21 tuổi, chàng trai Nguyễn Anh Bôn đã có hơn 10 năm lăn lộn trên đồi cát bay. “Hơn 6 tuổi, tôi đã theo cha lên đồi cát làm nghề cho thuê ván trượt. Khi ấy, nhà khó khăn quá nên cha mẹ cũng “quên” cho tôi đi học luôn. Giờ tôi cũng muốn đi học để biết chữ nhắn tin cho bạn gái nhưng ngại vì mình lớn rồi” - Bôn ngượng nghịu.

Phút giải lao hiếm hoi của các em nhỏ trên đồi cát
Phút giải lao hiếm hoi của các em nhỏ trên đồi cát

Gần đây, Bôn không còn cho thuê ván trượt nữa mà nhường “đất sống” lại cho mấy đứa trẻ khác, còn anh thì chạy xe ôm chở khách du lịch. Chỉ về phía mấy đứa nhỏ đang chơi trốn tìm giữa trưa nắng chang chang, Bôn cám cảnh: “Tội nghiệp mấy đứa như thằng Tí, thằng Bun…, đã 9-10 tuổi mà chưa một lần được đến trường. Nghe tụi nhỏ bảo có người đến nhà “mời” đi học nhưng cha mẹ chúng nói phải kiếm tiền để đóng tiền trọ đã. Nghe vậy, ai cũng thấy thương chúng nó”.

Theo Minh Hải/Báo Người lao động