Nhọc nhằn mưu sinh, nuôi con học đại học
Cuộc sống vất vả, nhiều lao động nông thôn phải lên thành phố mưu sinh. Nhưng ai cũng không quản ngại mưa nắng để cho con cái được theo đuổi giấc mơ có tấm bằng đại học.
Ông Út bán hàng rong.
Dù ở ngay trung tâm TP.Hưng Yên, nhưng bác Út phải lên thủ đô bán hàng rong để kiếm tiền nuôi con ăn học. Sinh con một bề, nên đã ngoài 50 tuổi, con gái lớn của bác mới bắt đầu vào đại học, còn cô thứ hai học lớp 9, cô nhỏ mới học lớp 3. Nội, ngoại hai bên đều nghèo, vợ thì luôn đau yếu, nên gia đình bác Út vẫn phải chạy ăn từng bữa.
Bác Út ngậm ngùi: “Đời mình đã khổ, mù chữ, nên quyết tâm phải cho các con học hành đến nơi đến chốn để tương lai không khổ như bố mẹ nữa. Tôi đã 4 năm rong ruổi bán trái cây khắp thủ đô. Ngày nào cũng dậy từ sáng sớm và tối khuya mới về nhà trọ, cơ cực lắm, nhất là vào những ngày trời mưa rét. Nhưng vì tương lai của các con, nên phải cố gắng gượng”.
Ở tuổi 51, bác Thơm (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cũng phải hằng ngày cặm cụi đi nhặt vỏ chai nhựa ở bệnh viện, công viên, rồi đi rửa bát thuê. Bác Thơm chia sẻ, gia đình bác vốn chỉ thuần nông, chồng lại liệt nửa người, phải nằm một chỗ gần chục năm nay. Bản thân bác mỗi tuần cũng phải chạy thận 3 buổi. Thế nhưng, mọi vấn đề kinh tế trong gia đình mỗi mình bác cáng đáng.
Năm nay, cô con út của bác Thơm đỗ ngành sư phạm. Bác Thơm tâm sự, vì nhà nghèo, nên cháu chọn học sư phạm để đỡ học phí, hơn nữa lại được ở ký túc xá, nên cũng đỡ được một khoản cho mẹ. Hằng ngày, ngoài những buổi chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai, bác đi rửa bát thuê cho các tiệm phở, quán nhậu.
Dù phải chạy thận, nhưng bác Thơm vẫn đi rửa bát thuê kiếm tiền nuôi con ăn học.
Khi không có ai thuê rửa bát, bác Thơm lại đi nhặt vỏ chai nhựa trong bệnh viện, công viên. Thu nhập chẳng đáng bao, thất thường, nhưng với căn bệnh đang mang trong mình, sức khỏe đang yếu dần đi, bác Thơm cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
“Ở tuổi này, nhìn mọi người xum vầy bên gia đình, nhiều khi tôi thấy cũng tủi thân. Mong muốn lớn nhất của bác là nuôi con ăn học, ra trường đi làm để được mình về quê” - bác Thơm tâm sự.
Tương tự, bác Lê Thị Vang (tỉnh Thái Bình) hiện bán xôi ở cổng trường ĐH Xây dựng cho biết: “Bác vừa bán xôi, vừa chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai gần 2 năm, sau khi con học xong đại học, bác cũng nghỉ về quê”.
Cứ như vậy, bố “đội nắng ngã mưa” bán hàng rong, mẹ “đeo” bệnh xoay đủ nghề, những hoàn cảnh như thế cứ lặng thầm nhức nhối đâu đó trong cuộc sống. Khi con đỗ đại học, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại càng đè nặng hơn lên vai những phụ huynh này.
Theo Báo Lao Động