Hà Tĩnh:
Bươn chải kiếm tiền từ nghề bóc vỏ cây keo
(Dân trí) - Để có thu nhập, nhiều phụ nữ các huyện miền núi ở (Nghệ An), hàng ngày vẫn "còng lưng" bóc vỏ keo thuê. Mặc dù đây là nghề nguy hiểm, vất vả nhưng phía sau các chị còn bao nhiêu gánh nặng.
Nghề vất vả
Khoảng 5 giờ sáng, đúng như đã hẹn với nhóm phụ nữ chuyên đi bóc vỏ keo ở xóm Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), đã có mặt ở ngã tư đầu làng chuẩn bị cho một ngày làm việc.
Cả nhóm người nối đuôi nhau đi dọc theo quốc lộ 48E hướng về phía những cánh rừng huyện Tân Kỳ nơi ông chủ mua gỗ tràm ở đó. Cuộc hành trình kéo dài hơn một giờ đồng hồ sau quãng đường gian nan vượt qua những khe suối, con dốc gồ ghề… cuối cùng các chị cũng đến lô keo ông chủ đã mua sẵn.
Để không vướng mắc dây, không bị trượt ngã các chị phải đi ủng, đi giày có độ bám cao rồi đeo thêm chiếc khẩu trang dạng chụp trên đầu kín mít chỉ để lộ hai con mắt.
Sau khi cưa xăng vang lên, tiếng răng rắc, ầm ầm của cây lần lượt ngã rạp xuống. Nhanh thoăn thoắt mỗi người rút trong túi ra đôi bao tay đeo vào, bên hông cái rựa và trên tay cầm cái xỉa (dùng để bóc vỏ keo -PV), để bắt đầu công việc bóc vỏ.
Không ai bảo ai, mỗi người một việc, người thì cầm rựa để chặt cành cây nhỏ, người thì đứng đợi để bóc vỏ keo… Trời càng ngày nắng nóng những khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ, đen sạm vì nắng gió, đôi mắt ai cũng sâu hõm, đầy nỗi niềm.
Công việc cứ như thế lặp đi, lặp lại đến khi tiếng xe ô tô tiến vào nơi tập kết keo sẵn thì mọi người dừng lại để chuẩn bị chuyển gỗ lên xe.
Trong lúc bốc gỗ lên xe, chị Nguyễn Thị Thương kể lại: "2 tuần trước tôi vô tình dẫm phải tổ ong vò vẽ bị đốt khắp người, may mắn chạy được nên chỉ nghỉ làm 3 ngày. Ong đốt, kiến cắn … ở đây là chuyện bình thường, cái nghề này chị em tôi thường gọi là "nghề của những vết sẹo" chú ạ!".
Những đồng tiền "nhuộm mặn" mồ hôi
Sau một thời gian làm việc vất vả, cả nhóm ngồi xệp xuống trên những tán lá keo được cắt sẵn rồi nghỉ lao. Nhìn mồ hôi ướt đẫm trên những khuôn mặt khắc khổ, tay cầm những chai nước lọc ừng ực, tôi mới cảm nhận được công việc khó nhọc của các chị như thế nào.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, (1979, thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành), tâm sự: "Nhà tôi có 4 miệng ăn mà chỉ có hơn 2 sào ruộng. Mỗi năm thu hoạch không được bao nhiêu, tôi chăn nuôi thêm con lợn, con gà cũng không đủ chi tiêu cho cả gia đình. Giờ cả vợ chồng, đều phải đi làm thuê để kiếm sống. Chồng tôi đi xây, ai thuê gì làm nấy, tôi thì cứ chủ keo gọi đi bóc vỏ keo là đi ngay. Khổ lắm chú à, không làm thì không biết lấy cái gì mà ăn".
Vừa đập vỏ keo vừa thở hổn hển, chị Bùi Thị Hậu chia sẻ: "Chúng tôi bây giờ trông có việc mà làm, ở nông thôn ngày kiếm được 200 - 250.000 đồng là tốt lắm rồi".
"Hơn 3 năm "chinh chiến" với nghề, chị Hậu đã làm ở không biết bao nhiêu rừng keo nên cũng đã có không ít kinh nghiệm về nghề. Chị bật mí: Để tăng năng suất làm việc, khi cây vừa cắt xuống là phải bóc vỏ ngay, nếu để lâu, cây chảy hết nước sẽ khó bóc", chị Hậu chia sẻ thêm.
Sau thời gian nghỉ lao, họ lại tiếp tục bắt tay vào công việc. Một người cưa, còn một nhóm khoảng 3 người kéo sợi dây móc sẵn ở ngọn cây để kéo cây đổ xuống mặt đất. Không như dự đoán của mọi người, cây keo đổ rạp về chỗ mọi người đang đứng tập trung, khiến cả nhóm chạy toán loạn.
Anh Dương Ngọc Vấn - thợ cưa cây - tâm sự: "Cây thường xuyên đổ không đúng hướng như vậy là chuyện bình thường. Chúng tôi cứ phải lựa cây mà chạy thôi, làm nghề này cũng rất nguy hiểm".
Đứng cạnh tôi, chị Bùi Thị Lĩnh xòe bàn tay bị bong tróc nói: "Cái nghề này rủi ro không ít, nhẹ thì vẹo vai, trầy xước, nặng hơn thì gãy tay do bốc vác cây. Biết là vất vả và rủi ro nhưng vì miếng cơm, manh áo, chúng tôi vẫn phải làm. Nếu làm việc ở những khu rừng gần nhà thì sáng đi chiều về, nhưng làm ở nơi xa nhà thì chuyện ăn ở trong rừng là thường xuyên".
Sau khi cả tổ bóc hết vỏ số keo người thợ đã cắt, cả nhóm bắt đầu bốc lên xe. Mỗi khúc gỗ được đưa lên là một lần các chị phải cong người, gồng hết sức lực của mình…
Khi gỗ đã được chất lên đầy xe cũng là lúc trời đã quá trưa, những con người lầm lũi đi ra từ cánh rừng di chuyển xuống chân đồi chuẩn bị nấu ăn. Dù đã thấm mệt nhưng các chị mỗi người một nhiệm vụ để khói bếp được nhanh nhất, bữa cơm được ăn sớm nhất có thể.
Chị Hoàng Thị Lý vừa quẹt lửa vừa nói: "Có những ngày 2, 3 giờ chiều mới được lên bếp. Phải bốc cho đủ số lượng keo lên xe rồi mới được ăn cơm. Thức ăn chủ yếu là những món nhanh nấu như trứng rán, rau muống nấu canh, cá kho mặn…".
Sau khi đã ăn cơm xong, mỗi chị tìm một gốc cây lý tưởng để dựa lưng chợp mắt. Một giấc ngủ tranh thủ 30 phút đến 1 tiếng giúp các chị lấy lại được sức khỏe.
Công việc các chị cứ thế kéo dài đến chiều tối, có những hôm đến tận 10h đêm, không có giờ giấc cụ thể, khi nào xe đầy thì mới được nghỉ vì đa số các chủ keo thuê làm lấy tiền theo trọng lượng.
Mặc dù biết là nguy hiểm, vất vả nhưng các chị không thể ngừng, bởi vì phía sau các chị còn bao nhiêu gánh nặng. Tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, vì tương lai những đứa con đang tuổi cắp sách đến trường… nên các chị không thể dừng lại mà vẫn phải gồng mình, còng lưng trong rừng sâu mỗi ngày.