1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bỏ việc ngân hàng làm trà xạ đen, cô gái thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Từng là nhân viên ngân hàng với mức lương ổn định, 4 năm trước, chị Quách Yến Phượng bất ngờ "bẻ lái" khởi nghiệp trà xạ đen. Hướng đi này giúp cô gái 8X thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bỏ nghề ngân hàng làm trà xạ đen

Làm việc tại ngân hàng suốt 9 năm với mức lương chục triệu đồng mỗi tháng, giữa năm 2019, chị Quách Yến Phượng (38 tuổi, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang) bất ngờ chuyển sang khởi nghiệp biến cây xạ đen thành trà dược liệu độc đáo.

Điểm đặc biệt của dự án là chị Phượng sẽ liên kết với nông dân trồng xạ đen rồi bao tiêu nguyên liệu chế biến thành trà, vừa thu lợi nhuận cá nhân vừa tạo thu nhập cho bà con địa phương. 

Bỏ việc ngân hàng làm trà xạ đen, cô gái thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 1

Chị Quách Yến Phượng từ bỏ công việc ở ngân hàng để làm trà xạ đen (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chị Phượng cho biết: "Trước đó, tôi được bạn bè cho cây xạ đen trồng ở nhà rồi nấu nước uống hằng ngày. Một lần, người bạn đến nhà tôi chơi đột nhiên bị tăng huyết áp. Tôi vô tình mang nước xạ đen cho bạn uống. Chỉ ít phút sau, huyết áp bạn ổn định lại", chị Phượng cho hay. 

Thấy được hiệu quả thần kỳ của xạ đen nên chị Phượng nung nấu  ý tưởng "Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu".

 Sau khi thử nghiệm ở nhiều nơi chị Phượng đã tìm được vùng nguyên liệu phù hợp là ở núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). "Xạ đen có thể trồng ở đồng bằng và đồi núi nhưng dược tính của xạ đen được trồng tại đất núi sẽ cao hơn, có nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe. Thế nên khi bắt tay vào dự án, tôi đã tìm và liên kết với nông dân trồng xạ đen làm nguyên liệu", chị Phượng cho biết.

Cô gái An Giang biến xạ đen thành thứ trà đặc sản thu lãi cao (Clip: Bảo Kỳ)

Bỏ việc ngân hàng làm trà xạ đen, cô gái thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 2

Xạ đen sau khi thu hoạch sẽ đem vào sấy ở nhiệt độ 45-50 độ C trong 18 đến 24 tiếng. Khi lá khô lại sẽ tiến hành phân loại, cân, đóng gói và hút chân không (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo lời chị Phượng, cứ bình quân 1.000m2 đất có thể thu hoạch khoảng 1 tấn xạ đen, sau khi đem sấy sẽ còn 50-70% trọng lượng. Xạ đen trồng khoảng 2 năm có thể thu hoạch, khi đó bà con chỉ cần cắt nhánh bán cho cho cơ sở của chị Phượng.

Xạ đen sau khi thu hoạch sẽ đem vào sấy ở nhiệt độ 45-50 độ C trong 18 đến 24 tiếng. Khi lá khô lại sẽ tiến hành phân loại, cân, đóng gói và hút chân không.

Riêng với loại trà túi lọc, chị Phượng sẽ xay nhuyễn lá xạ đen kết hợp với một số loại dược liệu khác như sâm đại hành, xuyên tâm liên, tim sen... Tạo thêm nhiều sản phẩm mới đa dạng công dụng của cây xạ đen. 

Bỏ việc ngân hàng làm trà xạ đen, cô gái thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 3

Lá xạ đen được đóng gói, hút chân không để bảo quản lâu hơn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Gian nan đưa xạ đen đến tay người tiêu dùng

Dù đã có nguyên liệu đầu vào thế nhưng câu chuyện đưa trà xạ đen ra thị trường cạnh tranh, cô gái An Giang đã trải qua rất nhiều thử thách. Mãi đến năm 2019 trong cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL sản phẩm trà xạ đen Thảo An của chị Phượng đạt được giải cao nhất, đây được xem như bước tiến quan trọng để trà xạ đen đến gần hơn với người tiêu dùng. 

"Sau cuộc thi đó tôi tham gia nhiều chương trình, hội nghị cấp tỉnh, khu vực để quảng bá sản phẩm, lắng nghe cảm nhận của khách hàng và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Từ đó, tôi biết được người dùng cần gì để có chiến lược kinh doanh đúng đắn", chị Phượng bộc bạch. 

Bỏ việc ngân hàng làm trà xạ đen, cô gái thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 4

Lá xạ đen được nghiền nhỏ để sản xuất trà túi lọc (Ảnh: Bảo Kỳ).

Mất năm đầu tiên để định hình sản phẩm và đầu ra, đầu vào, từ năm 2020 đến nay chị Phượng duy trì được công suất sản xuất từ 2 đến 3 tấn trà xạ đen khô/năm.

Hiện cơ sở của chị Phượng cung cấp 5 dòng sản phẩm chính từ xạ đen gồm trà lá và trà túi lọc. Ngoài ra, năm 2021 chị ra mắt 2 sản phẩm mới là mứt vỏ bưởi sấy và bột rau má. Các sản phẩm của chị Phượng đã có mặt tại các cửa hàng OCOP trên cả nước. 

Cũng từ sản phẩm này, chị Phượng đã tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Sắp tới chị sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất để gia tăng sản lượng trà xạ đen.