Bỏ việc ngân hàng, chàng cử nhân trẻ chọn nghề "độc" khởi nghiệp
(Dân trí) - Từ một nhân viên ngân hàng, anh Dương Minh Tuấn (ở Quận 6, TPHCM) tạm gác công việc để theo đuổi nghệ thuật điêu khắc trên da và cho ra đời những sản phẩm thời trang độc đáo.
Theo anh Minh Tuấn (32 tuổi, ở Quận 6, TPHCM), hiện tại số lượng người hành nghề khắc trên da ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số đều tự học. Khắc trên da đã có ở Mỹ từ hàng trăm năm trước, sau đó môn nghệ thuật khắc trên da phát triển qua Trung Quốc, Nhật... và du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây.
Thông thường, người ta chọn gỗ, đá để điêu khắc, lạ hơn thì chọn vỏ trứng. Gần đây, da bò được nhiều người chọn để làm chất liệu điêu khắc bởi có thể ứng dụng vào những món đồ thời trang như túi xách, bóp, thắt lưng...
Trước khi bắt tay vào việc điêu khắc trên da, anh Minh Tuấn là một nhân viên ngân hàng, có việc làm ổn định tại TPHCM. Ban đầu anh làm các sản phẩm thủ công như, bóp, ví, túi đựng danh thiếp… Sau 5 năm làm việc, quan sát thị trường trong và ngoài nước, anh Tuấn thấy được sức hấp dẫn của những sản phẩm da có chạm khắc. Hơn một năm tự mày mò nghiên cứu anh đã cho ra những sản phẩm khắc trên da mang phong cách của riêng mình.
Anh Tuấn mở xưởng tại nhà riêng ở Quận 6, khách hàng ban đầu là bạn bè, sau chủ yếu là những người biết thông tin qua thông tin chia sẻ trên mạng xã hội. Các họa tiết, sản phẩm được đặt hàng khá đa dạng, phong phú và là độc bản, không có chiếc thứ hai. Hiện anh Tuấn vẫn chỉ làm một mình tại nhà, nếu đơn hàng đều đặn, hàng tháng thu nhập của anh dao động khoảng 15-20 triệu đồng.
Quy trình cho ra sản phẩm gồm các bước, thiết kế sản phẩm da và thiết kế bề mặt chạm khắc, chạm khắc, lên màu, hoàn thiện sản phẩm da hoặc có thể làm tranh da. Một sản phẩm khắc trên da được thực hiện trong vài ngày hoặc có khi mất hàng tháng tùy theo mức độ phức tạp của sản phẩm.
"Điểm hấp dẫn của khắc da là khách hàng thể hiện được cái tôi của mình trong sản phẩm. Đối với các bạn sinh viên cũng có thể đặt sản phẩm thể hiện cái chất riêng của mình với giá chỉ vài trăm ngàn. Hoặc đối với nhiều người sản phẩm hàng hiệu quá bình thường thì việc tạo ra một sản phẩm duy nhất cho riêng mình cũng là niềm tự hào của họ", anh Tuấn nói.