1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Lao động: “Miếng khi đói - sao để người lao động chờ lâu được?”

(Dân trí) - “Món hỗ trợ 1.000.000 đồng so với tiền lãi từ việc bán ngô luộc là không nhỏ. Sự hỗ trợ này càng có ý nghĩa trong những ngày khó khăn do tác động của Covid-19…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá về triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng. (Video: Toàn Vũ)

Bà Nguyễn Thị Ngà (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), xúc động chia sẻ tại buổi chi kinh phí đợt 1 tới 219 người lao động của quận Hà Đông gặp khó do dịch Covid-19, chiều 5/6 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tới dự và trực tiếp trao tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng tới người lao động tại chương trình.

Tôi đã có tiền mua thuốc

Hơn 4 năm nay, cuộc sống không có lương hưu khiến bà Nguyễn Thị Ngà chọn công việc bán rong ngô luộc tại quận Hà Đông để có thêm thu nhập.

Bộ trưởng Lao động: “Miếng khi đói - sao để người lao động chờ lâu được?” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng tới người lao động tại quận Hà Đông.

Tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm khiến công việc của bà Nguyễn Thị Ngà phải tạm dừng. Thu nhập không có, bệnh khớp khiến người phụ nữ 56 tuổi này càng khó khăn vì những chi phí thuốc thang.

Chính bởi vậy, khi được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Ngà đã không thể kìm được sự xúc động: “Số tiền này thực sự cần thiết với tôi lúc này. Tôi sẽ dùng để mua gạo và thuốc chữa bệnh khớp”.

Cùng trong danh sách người lao động khó khăn được nhận hỗ trợ 1.000.000 đồng vào chiều 5/6, chị Nguyễn Thị Mùi (phường Quang Trung, quận Hà Đông) cảm thấy rất vui.

Bộ trưởng Lao động: “Miếng khi đói - sao để người lao động chờ lâu được?” - 2

Người lao động tới nhận hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng.

“Tôi bán cháo và ốc luộc trên phố Bế Văn Đàn (quận Hà Đông) nhiều năm nay. Mỗi tháng thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Covid-19 làm cả gánh hàng và cũng là nguồn thu chính của gia đình dừng hoạt động” - chị Nguyễn Thị Mùi tâm sự.

Sau cách ly, gánh hàng của chị chỉ có thể phục hồi được khoảng 1/3 thu nhập hàng tháng trước đây. Bởi vậy, sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ như trên dù không nhiều nhưng cũng giúp chị Nguyễn Thị Mùi thấy có động lực hơn.

Niềm vui trên dường như còn được thấy rõ ở ông Nguyễn Huy Đình (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) - người hành nghề xe ôm được gần 5 năm qua.

Bộ trưởng Lao động: “Miếng khi đói - sao để người lao động chờ lâu được?” - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng tới người lao động tại quận Hà Đông.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Đình cho biết: “Trước dịch Covid-19, tôi kiếm từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày từ công việc xe ôm. Dịch Covid-19 thì nghỉ hẳn. Khi hết giãn cách tới nay, tôi chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày. Chi tiêu đã giản tiện, nay còn thu hẹp nhiều hơn”.

Với thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ đơn giản, ông Nguyễn Huy Đình đã được chính quyền phường xác minh và sau đó thông báo tới nhận tiền ngay trong buổi chiều 5/6.

Câu chuyện của 3 người lao động trên chi phác hoạ phần nhỏ những cảnh đời khó khăn của hơn 200 đối tượng nhận hỗ trợ chiều 5/6 tại quận Hà Đông. Buổi chi trả cũng là kết quả nỗ lực không nhỏ của các cấp chính quyền Hà Nội và ngành LĐ-TB&XH trong thời gian qua.

 Miếng khi đói - sao chờ lâu được?

Trực tiếp dự buổi trao kinh phí tại quận Hà Đông chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thực sự xúc động khi chứng kiến những món tiền từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng tới tận tay từng người lao động gặp khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị đẩy nhanh tiến hỗ trợ lao động tự do gặp khó vì dịch Covid-19. (Videos: Toàn Vũ)

Chia sẻ tâm tư về việc hỗ trợ người dân gặp khó vì Covid-19, Bộ trưởng bộc bạch: “Người lao động là đối tượng chịu tác động sớm và gánh chịu các thiệt hại sâu nhất do dịch Covid-19. Bởi vậy, việc hỗ trợ làm sớm lúc nào tốt lúc đó. Vì đây không còn là trách nhiệm mà là mệnh lệnh từ trái tim”.

Cũng tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao về kết quả triển khai của Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Lao động: “Miếng khi đói - sao để người lao động chờ lâu được?” - 4

Buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH và UBND TP Hà Nội

“Chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã gần như hoàn thành việc chi trả tới 4 nhóm đối tượng chính sách. Hà Nội cũng đang xúc tiến việc chi trả tới các nhóm lao động gặp khó. Công tác triển khai hiệu quả, nghiêm túc và chưa để xảy ra sai sót…” - Bộ trưởng đánh giá.

Trong tuần tới, Bộ trưởng đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương tập trung cho nhóm lao động tự do. “Bởi khi mất việc vì Covid-19, người lao động cần kinh phí để hỗ trợ đời sống và việc hỗ trợ lúc này rất cần thiết. Nếu để lâu thì số tiền hỗ trợ sẽ không còn ý nghĩa” - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Lao động: “Miếng khi đói - sao để người lao động chờ lâu được?” - 5

Người lao động gặp khó khăn tại quận Hà Đông nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng

Đánh giá tổng thể, Bộ trưởng cho rằng việc triển khai rà soát nhóm lao động tự do của Hà Nội cẩn trọng và hiệu quả. Nếu Hà Nội tập trung giải quyết chi trả xong cho nhóm lao động tự do thì coi như về cơ bản đã thực hiện xong Nghị quyết 42/NQ-CP trên địa bàn thành phố.

Với việc rà soát theo tiêu chí của lao động tự do, Bộ trưởng lưu ý: “Không nên quá câu nệ việc xác nhận thu nhập tối thiểu của lao động tự do. Vì họ từ nơi khác tới và đã mất việc làm rồi thì đương nhiên mức sống tối thiểu sẽ thấp và khó khăn rồi. Tinh thần chung, đã mất việc thì hỗ trợ việc làm trong thời điểm vừa qua”.

Trường hợp các nhóm lao động khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cơ quan BHXH Hà Nội và Sở LĐ-TB&XH tập trung giải quyết nhanh các trường hợp bị chấm dứt hoặc  bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cá thể nếu đủ điều kiện phân loại và xử lý tháo gỡ chi trả ngay.

Bên cạnh việc đánh cao kết quả của Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các ban, ngành không được chủ quan, tự mãn với kết quả đã làm. “Có thể ban đầu thực hiện tốt nhưng về sau chỉ cần những sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng lớn” - Bộ trưởng góp ý.

Triển khai hỗ trợ nhóm người lao động và hộ kinh doanh

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tính đến ngày 4/6, Hà Nội đã:

- Tiếp nhận hồ sơ của 94 doanh nghiệp với 1.881 lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; đã ra quyết định chi trả cho 4 doanh nghiệp với 50 lao động, kinh phí chi trả là 90 triệu đồng. Trong đó có 03 quận đã thực hiện hỗ trợ là Đống Đa, Long Biên và Cầu Giấy

Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Các quận, huyện đã tiếp nhận và đang xét duyệt 153 hồ sơ

Đối với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: Đã tiếp nhận và xét duyệt 82.504 hồ sơ; ra quyết định chi trả 915 trường hợp; đã chi trả 333 trường hợp với kinh phí 333 triệu đồng.

Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020: Đã tiếp nhận và xét duyệt 2.472 hồ sơ; đã chi trả cho 27 hộ kinh doanh với số tiền 27 triệu đồng.

Đối với nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động: Đã tiếp nhận và đang xét duyệt 2 hồ sơ

Ngoài việc thực hiện chính sách cho các đối tượng đã được quy định, một số quận, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho cho các giáo viên ngoài công lập trên địa bàn để ổn định cuộc sống, như: Huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 432 giáo viên ngoài công lập, mỗi người 500.000đ/tháng x 3 tháng; tổng kinh phí hỗ trợ là 648 triệu đồng.

 Hoàng Mạnh