Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó..."

(Dân trí) - “500 thương binh dự chương trình cũng là từng đó câu chuyện lay động về các tấm giương toả sáng giữa đời thường. Bên cạnh những sự hy sinh quật cường, bất khất và ý chí kiên trung, chúng ta có thể thấy không ít những thương binh vượt qua nỗi đau, hoà nhập đời sống và phát triển kinh tế …”

Lễ tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu trong toàn quốc

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ tại Lễ tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ diễn ra sáng 25/7 tại Hà Nội.

"Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó. Các thương binh hàng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Song khắc ghi lời Bác Hồ dạy, các thương binh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua đau thương và mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục xây dựng gia đình, quê hương" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét.

Gan dạ trong chiến đấu

Hội nghị đã lắng nghe câu chuyện về thương binh nặng Nguyễn Trung Tín (tại phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) suy giảm khả năng lao động 95%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó... - 1

Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc 2019

Đã vào sinh ra tử, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn của bộ đội chủ lực như chiến dịch Chu Lai, Tư Nghĩa (Quảng Nam); Thu Bồn, Quế Sơn; Đường 9, Nam Lào; Phỉ Vàng Pao tại Trung Lào.

Trong chiến dịch Tân Cảnh, Đắc Tô tỉnh Kon Tum, ông đã bị thương gãy cột sống, vỡ 2 khung xương chậu, vỡ bàng quang, được các đồng đội kịp thời cứu sống đưa về tuyến sau điều trị.

Mặc dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, nhưng bản thân kiên trì tập luyện, vượt qua bệnh tật. Ông Nguyễn Trung Tín hiện là Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh.

Với thương binh Lê Hữu Trạc (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), những kỷ niệm về quá khứ chiến đấu luôn hào hùng. Ông từng tham gia chiến đấu giữ đảo Cồn Cỏ, cùng với đơn vị tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài của quân địch trong các đợt tấn công.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó... - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Về địa phương, ông Lê Hữu Trạc tham gia làm Chủ tịch hội người mù tỉnh Quảng Bình. Ông đã có nhiều đóng góp, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp như ngày hôm nay.

Câu chuyện về thương binh nặng Nguyễn Văn Lộc (phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) thể hiện sự nặng lòng với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh chưa tìm được hài cốt.

Ông Nguyễn Văn Lộc tâm sự: "Chúng ta được trở về nhà, nhưng còn nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại ở nơi khe suối, bìa rừng. Vì vậy, những người lính được trở về như chúng ta phải có trách nhiệm với đồng đội đã ngã xuống. Chừng nào còn sống, còn sức khỏe thì hành trình tìm đồng đội vẫn chưa dừng lại".

Những chuyến đi tìm kiếm đồng đội luôn ẩn chứa nguy hiểm và bất trắc. Nhưng dường như chưa bao giờ làm ông Nguyễn Văn Lộc nhụt chí. Trong nhiều năm qua, ông đã cùng đồng đội cung cấp thông tin, tìm kiếm để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về yên nghỉ.

Làm giàu và tạo việc làm

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hội nghị còn là cuộc gặp gỡ của nhiều tấm gương thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi.

Trường hợp thương binh nặng Hoàng Văn Tuyên (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là một ví dụ. Trở về với cuộc sống đời thường, ông đã tham gia sản xuất và kinh doanh đạt được kết quả tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó..." - 3

Các thương binh nặng dự Lễ tuyên dương

“Ông đang là giám đốc công ty may, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, trong đó phần nhiều là con em thương binh, gia đình chính sách. Doanh thu hàng năm của công ty hàng chục tỷ đồng, ông đã dành một phần trong đó để đóng góp cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Với thương binh Lê Hữu Thế (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), câu chuyện mang đậm dấu ấn của sự vượt khó.

Rời chiến trường trở về, trước cái đói, cái nghèo, ông đã mạnh dạn thế chấp nhà vay tiền ngân hàng để lên Tây Nguyên lập nghiệp. Vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả, gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang và nhiều diện tích trồng cà phê mang lại thu nhập lớn cho gia đình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Với họ, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó... - 4

Đó còn là thương binh Dương Văn Bỉ, tại thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, mất sức lao động 86%. Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn hàng ngày cùng với con cháu tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy có hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích canh tác hơn 6.000 m2 .

Ông vừa trồng cây nông nghiệp, trồng cỏ nuôi bò, trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp đào ao thả cá và nuôi tôm sú. Doanh thu mỗi năm của gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hội nghị còn được nghe về câu chuyện của thương binh nặng Lê Hoàng Quến (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).

Dù suy giảm khả năng lao động tới 94% và 2 mắt không nhìn được nhưng ông đã không ngại khó khăn, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người mù.

“Ông Lê Hoàng Quến đã vận động trên 1300 phần quà với tổng trị giá trên 500 triệu đồng, vận động cất 25 căn nhà cho người mù với tổng số tiền trên 600 triệu đồng, 20 chiếc xe lăn với số tiền hơn 35 triệu đồng và vận động hỗ trợ mổ mắt cho người mù. Đây là một kết quả hết sức đáng trân trọng đối với một người thương binh nặng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Điểm chung nhất là các thương binh nặng là dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động”.

Phan Minh