Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Thế giới việc làm đang thay đổi vì Covid-19”
(Dân trí) - “Nhiều nước ASEAN dự báo, 56% việc làm sẽ bị thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Thế giới việc làm cũng thay đổi vì biến đổi khí hậu, sự già hóa, dịch bệnh và đại dịch Covid-19…”.
Trong ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 (ALMM+3) lần thứ 11 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Indonesia.
Tham dự Hội nghị ALMM có 10 Bộ trưởng phụ trách Lao động các nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.
Thích nghi với thay đổi nhanh
Chia sẻ nhận định về tình hình việc làm khu vực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó phải kể đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Tỷ lệ này ở ASEAN sẽ còn cao hơn”.
“Việt Nam cam kết thực hiện các nỗ lực cùng ASEAN nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh vì sự công bằng và tăng trưởng bao trùm, Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ rõ, 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm có thể bị ảnh hưởng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.
Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, xã hội đang già hóa, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 còn tác động tới 2,7 tỷ người lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự lựa chọn của nước chủ nhà Indonesia về chủ đề “Thúc đẩy tính năng cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm”.
“Tôi hy vọng những nội dung chia sẻ tại Hội nghị góp phần quan trọng vào việc xây dựng năng lực và sự chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực ASEAN mang tính cạnh tranh, chủ động thích ứng nhằm giúp họ có thể tiếp tục công việc của mình và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những thay đổi của thế giới công việc” - Bộ trưởng cho biết.
Nhiều kết quả đáng mừng
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong 3 đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược về phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược giai đoạn này là “Phát triển nhân lực Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của 4.0 và hội nhập quốc tế, đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới”.
Đánh giá tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết: “Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 năm nay là hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đó là hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Với sự ủng hộ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, Việt Nam đã chủ trì xây dựng “Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” và đã được chính thức thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Đồng thời, Việt Nam cũng chuẩn bị Tuyên bố đã thể hiện các cam kết chính trị ở cấp cao nhất của ASEAN đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt việc chuẩn bị cho người lao động ASEAN có thể chủ động ứng phó hiệu quả các tác động của thay đổi công nghệ, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Qua đây nhằm thực Tuyên bố, các hoạt động và kế hoạch cụ thể đã được đưa vào Lộ trình thực hiện Tuyên bố thông qua 5 kết quả đầu ra bao gồm: Văn hóa học tập suốt đời; giáo dục và việc làm bao trùm cho tất cả mọi người; năng lực và trình độ phù hợp nhu cầu của thị trường lao động; cơ hội việc làm và khả năng tìm việc làm tốt hơn; chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp lý”.
Trước bối cảnh đó, người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ mỗi nước cần tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình.
Bộ trưởng đưa ra gợi ý: “Các doanh nghiệp cần giữ vai trò chủ động hỗ trợ nguồn nhân lực hiện có trong việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, tay nghề, mỗi người lao động phải biết theo đuổi việc học tập suốt đời. Các chính phủ cần tạo ra môi trường thuận lợi, một cách nhanh chóng và sáng tạo để hỗ trợ các nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động…”.
Hết năm 2020, lao động qua đào tạo có chứng chỉ ước đạt 25%
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau 10 năm thực hiện, một số kết quả đạt được có thể kể tới, như: Hệ thống luật pháp, chính sách trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm và khoa học, công nghệ được hoàn thiện tương đối đồng bộ; tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng hoặc chứng chỉ tăng từ 15,58% (năm 2011) lên 24 % (năm 2019) và ước tính đạt mục tiêu 25% vào năm 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động khá cao, bình quân đạt 4,87%/năm trong giai đoạn 2011-2019 tính theo sức mua tương đương PPP.
Một số chỉ số nhân lực của Việt Nam cũng đạt thứ hạng cao trong khu vực như chỉ số vốn nhân lực, chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số phát triển con người.
Hoàng Mạnh - Kim Anh