Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng

(Dân trí) - “Việc thúc đẩy mối quan hệ giữa chính phủ và khu vực tư nhân, doanh nghiệp và hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ nâng cao hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực…”.

Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN (Clip: Nguyễn Bắc)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ tham luận tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực, diễn ra chiều ngày 16/9.

Đây là chương trình với quy mô lớn và lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối điểm cầu Hà Nội cùng với hơn 70 điểm cầu tại các nước trong khu vực và với các đối tác. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Giáp Tống).

Tại đầu cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham gia và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và đại diện nhiều Bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Chú trọng vai trò khu vực tư nhân

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao về vai trò của quan hệ đối tác trong phát triển nguồn nhân lực.

Đây là cũng là cơ sở đã được Việt Nam cùng các nước ASEAN chú trọng xây dựng, thúc đẩy và triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực thông qua các kênh hợp tác khác nhau.

Đánh giá về hợp tác công tư, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thế giới việc làm đang thay đổi sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Sơn Tùng)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Việt Nam luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực và coi đó là một trong 3 khâu đột phá bên cạnh việc hoàn thiện thể chế và phát triển hạ tầng”.

Trong đó, việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, giữa khu vực doanh nghiệp và hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo sẽ gắn kết và nâng cao hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, góp phần khai thác hiệu quả vốn nhân lực cho tăng trưởng và phát triển.

Với lựa chọn đúng đắn, chiến lược pháp triển dạy nghề của Việt Nam đã đưa ra các giải pháp nhằm gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và có sự tham gia của doanh nghiệp, từng bước hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp và tham gia vào tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo.

“Trên cơ sở đó, thời gian tới, chúng ta cần thúc đẩy vai trò dẫn dắt tiên phong của khu vực tư nhân trong giáo dục và đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao” - Bộ trưởng chia sẻ.

Ở tầm cao hơn, quá trình hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia cũng hết sức được chú trọng. Quá trình này gồm việc trao đổi, phối hợp thường xuyên giữa ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp với các ngành giáo dục, khoa học công nghệ trong mỗi quốc gia để đảm bảo sự kết nối cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng - 3

Hội nghị thu hút nhiều tham luận của Bộ trưởng các nước thuộc khối ASEAN . (Ảnh: Sơn Tùng)

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngay từ năm 2011, Việt Nam đã thành lập Hội đồng quốc gia về Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch với 26 thành viên.

Trong đó bao gồm là các Bộ trưởng phụ trách lao động và giáo dục, lãnh đạo một số trường đại học, viện nghiên cứu chủ chốt có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề và nhân lực…

Hợp tác khu vực và đa phương

Chia sẻ nhận định về quá trình hợp tác ở cấp khu vực, Bộ trưởng cho rằng việc tham khảo chính sách, mô hình đào tạo, thúc đẩy công nhận tay nghề lẫn nhau, di chuyển lao động có tay nghề trong khu vực được thúc đẩy là những chính sách quan trọng để thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực hiệu quả trong ASEAN .

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng - 4

Hội nghị có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành và đối tác nước ngoài (Ảnh: Sơn Tùng)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN đã phối hợp liên ngành lao động và giáo dục, khoa học công nghệ, và liên trụ cột giữa lao động thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội và Cộng đồng kinh tế”.

“Năm 2010, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực nhằm phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững. Đến năm 2017, Việt Nam đưa ra sáng kiến về Tuyên bố APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” - Bộ trưởng cho biết thêm.

Việc hợp tác cũng được thúc đẩy thông qua việc hình thành và kết nối mạng lưới giữa các trường nghề, trường đại học trong ASEAN, trao đổi chương trình, giáo trình, trao đổi sinh viên.

Trong tham luận, Bộ trưởng cũng lưu ý việc tăng cường quan hệ giữa từng nước thành viên và cả ASEAN với các đối tác song phương và đa phương.

Đây cũng là một trong những kênh đối tác quan trọng để hỗ trợ từng nước xây dựng chính sách, phát triển các mô hình thí điểm và xây dựng những định hướng, lộ trình chung của khu vực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thế giới việc làm đang thay đổi không ngừng - 5

Hội nghị tổ chức trực tuyến kết nối 70 điểm cầu trong và ngoài nước. (Ảnh: Giáp Tống)

Việt Nam cùng các nước ASEAN đang tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác như CHLB Đức, Nhật, Hàn Quốc, Australia và với các tổ chức quốc tế như ILO, ADB, WB trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

“Đến năm 2020, trong vai trò nước Chủ tịch Asean, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và nhận được sự ủng hộ tích cực và có hiệu quả của cả 2 kênh Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN  và sự hỗ trợ tích cực của Ban Thư ký Asean và các đối tác, Tuyên bố ASEAN  về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi đã được trình lên và được Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6 năm 2020” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, Hội nghị này, các Bộ trưởng đã thông qua lộ trình để thực hiện Tuyên bố này với những cam kết cụ thể và thiết thực.

Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh hợp tác, đa dạng hóa các hình thức quan hệ đối tác.

Bộ trưởng kỳ vọng, các đối tác của Việt Nam nói riêng và ASEAN trong thời gian tới sẽ cùng nhau thúc đẩy hiệu quả quan hệ đối tác nhằm xây dựng nguồn nhân lực ASEAN có tính cạnh tranh cao, đáp ứng trình độ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một cộng đồng chung thịnh vượng và bền vững, đoàn kết và chủ động thích ứng với những thay đổi của thế giới việc làm.

Hội nghị được diễn ra với 4 phiên thảo luận chủ đề bao gồm: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của Thế kỷ 21.

Các chủ đề được chia sẻ thông qua chia sẻ ngắn của các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục Asean, đại diện Tổ chức ILO, Tổ chức UNESCO, Chủ tịch ABAC, Lãnh đạo Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức.

Các Bộ trưởng, Trưởng đại diện đã chia sẻ thông tin về các chính sách, sáng kiến, thành tựu trong việc thúc đẩy các nội dung hợp tác về phát triển nguồn nhân lực tương ứng với nội dung của từng chủ đề...