Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại bỏ tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi!

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh yêu cầu mỗi cán bộ thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng "chỉ bàn làm, không bàn lùi" khi làm việc với Cục Quan hệ lao động và Tiền lương sáng 13/9.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc làm việc với Cục Quan hệ lao động và Tiền lương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm và phương hướng 4 tháng cuối năm 2024.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị thuộc bộ và cán bộ, công chức Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại bỏ tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi! - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, sáng 13/9 (Ảnh: Tống Giáp).

Nhiều điểm sáng trong quan hệ lao động và tiền lương

Báo cáo với lãnh đạo Bộ, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, nêu bật những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng và thực hiện các chính sách lao động, quan hệ lao động và tiền lương.

Ông Hưng cho biết, năm 2024, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương được giao nhiệm vụ xây dựng 6 văn bản pháp luật, bao gồm 3 nghị định và 3 thông tư. Đến nay, Cục đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 văn bản, gồm 1 nghị định và 1 thông tư, đúng theo tiến độ.

Đồng thời, Cục cũng đang hoàn thiện dự thảo của 2 thông tư khác và tiếp tục triển khai 2 nghị định bổ sung, tập trung vào quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước, cũng như các quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại bỏ tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi! - 2

Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Với vấn đề thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Sau quá trình tham mưu, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83-KL/TW (về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024) và Chính phủ đã triển khai các nghị định tương ứng.

Đặc biệt, trong năm 2024, Cục đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP về quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và Nghị định số 79/2024/NĐ-CP về cơ chế quản lý tiền lương cho Tập đoàn Viettel.

Điều này cho thấy sự nỗ lực trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 đã được Cục hướng dẫn và triển khai đến các doanh nghiệp. Qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Cục cũng tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.

Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhìn chung duy trì ổn định. Các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, giúp hạn chế các cuộc đình công và giải quyết nhanh chóng các mâu thuẫn phát sinh. Đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt, với thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng xác định tồn tại cần tập trung xử lý là tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp mặc dù không có biến động lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Đánh giá cao nỗ lực của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương trong việc thực hiện chức trách, chuẩn bị và triển khai công việc một cách cẩn thận, với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại việc song Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cũng nhắc đơn vị chủ động hơn trong việc đề xuất các công việc mới, thay vì chỉ chờ giao nhiệm vụ.

Việc này sẽ giúp Cục không ngừng nâng cao chất lượng công việc, đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực lao động và tiền lương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại bỏ tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi! - 3

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Tống Giáp).

Xốc lại tinh thần làm việc với cán bộ, công chức

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những kết quả đạt được như báo cáo của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương. Bộ trưởng nhận xét, Cục đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không ngại việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao. 

Cục đã triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ như làm đầu mối của cải cách tiền lương, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lao động...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bên cạnh những tiến triển tích cực, tại đơn vị vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần cải thiện. Ông nhận xét: "Cục làm việc có trách nhiệm, không ngại việc, giao gì làm đó, nhưng nhiều khi nắm tình hình không chắc, phản hồi chậm và thiếu kịp thời".

Bộ trưởng dẫn chứng những vấn đề còn tồn tại trong quản lý quan hệ lao động và cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ những cuộc tranh chấp tập thể và đình công trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp cũng còn hạn chế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại bỏ tâm lý sợ sai, chỉ bàn làm, không bàn lùi! - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" như quán triệt của Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: Tống Giáp).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ rõ, dù đã thành lập các trung tâm hỗ trợ quan hệ lao động, nhưng hiệu quả hoạt động chưa rõ ràng. Ông cho rằng, sự phối hợp trong nội bộ đơn vị vẫn chưa đủ chặt chẽ, phân công nhiệm vụ giữa các cán bộ chưa đạt hiệu quả cao.

Một trong những vấn đề mà Bộ trưởng lưu ý là cần tránh tâm lý "sợ sai" trong cán bộ. Ông khẳng định: "Có làm sai mới sợ, còn làm đúng thì không có vấn đề gì". Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ "chỉ bàn làm, không bàn lùi", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu yêu cầu cán bộ Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ động, quyết liệt hơn trong công việc.

Đốc thúc mỗi cán bộ, công chức "xốc lại tinh thần" làm việc, Bộ trưởng lưu ý bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới, cần tập trung xử lý.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ Cục Quan hệ lao động và Tiền lương tập trung hơn nữa vào việc hoàn thiện thể chế về tiền lương và quan hệ lao động. Việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước phải bám sát 5 nội dung về cải cách tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và thời gian hoàn thành Nghị định đảm bảo tiến độ trước ngày 1/1/2025.

Đối với Nghị định về tổ chức của người lao động và thương lượng tập thể, Bộ trưởng khẳng định đây là một nghị định khó, nhạy cảm, phức tạp nhưng không thể không làm. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo Cục nghiên cứu kỹ Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2016, bám sát tinh thần của Nghị quyết về việc đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Chốt lại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động và tiền lương, Cục phải bám sát, nắm vững tình hình lao động, tiền lương, mức sống của người lao động, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Cục cần chủ động trong công việc và không chậm trễ trong việc triển khai các nhiệm vụ đã được giao.