1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH năm 2021

Hoàng Mạnh Phạm Công

(Dân trí) - “Trong năm 2021, bên cạnh những định hướng lớn, thanh tra ngành LĐ-TB&XH cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Thanh tra việc chi bảo hiểm xã hội, đối tượng nhiễm chất độc màu da cam và lĩnh vực trẻ em…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới Thanh tra Bộ LĐ-TBXH năm 2021 - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Tiến Tuấn)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra (23/11/1945-23/11/2020). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 16/11 tại Hà Nội.

Đóng góp cho thành công của ngành

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao sự đóng góp của công tác thanh tra trong việc thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội thời gian qua. 

Bộ trưởng cho biết, trong những năm gần đây, ngành lao động, thương binh và xã hội đã có sự thay đổi về cơ bản và sự định hướng về tổ chức chiến lược. Ngành đã đột phá mạnh trong xây dựng thể chế, tham mưu và xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng thị trường lao động hài hoà và lành mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới Thanh tra Bộ LĐ-TBXH năm 2021 - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới thanh tra ngành LĐ-TB&XH trong năm 2021. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Đơn cử như thời gian gần đây, ngành đã triển khai việc xây dựng dự thảo sửa Luật Lao động 2012 với những nội hàm hoàn toàn mới, những vấn đề chưa từng có tiền lệ, vấn đề đổi mới về tiền lương, tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở…Bên cạnh đó, những vấn đề về chính sách an sinh còn vướng mắc nhiều năm để đã được xử lý gọn.

Cử tri và các đại biểu quốc hội luôn là những người quan tâm và theo sát các kết quả hoạt động của ngành. Đặc biệt là những vấn đề về an sinh đã tạo sự thu hút của xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những ngày chất vấn vừa qua tại Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội đã quan tâm tới các vấn đề, như: Cải cách lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1993, giải quyết tồn động về hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng, quy định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới Thanh tra Bộ LĐ-TBXH năm 2021 - 3

Ảnh: Dũng Mạnh

“Trước Quốc hội, nhiều đại biểu đã hỏi về lời hứa của Bộ trưởng về giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. Tôi khẳng định đã hoàn thành cơ bản. Nhưng việc hoàn thành này còn là do công sức của tập thể lãnh đạo Bộ, cán bộ, nhân viên của ngành, trong đó thanh tra Bộ đã đóng góp phần rất quan trọng” - Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, thanh tra Bộ đã đóng góp rất tích cực, chủ động và hiệu quả trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải quyết các tồn tại và vướng mắc.

Bộ trưởng đơn cử: “Trong số hơn 7.200 hồ sơ đề nghị công nhận là người có công còn tồn đọng, ngành đã tiến hành xác minh và đề xuất Chính phủ công nhận hơn 2.500 trường hợp là liệt sĩ, 2.200 trường hợp là thương binh. Còn lại, ngành đã trả lời rõ ràng”. Bên cạnh đó, hơn 2.700 đơn thư và nhiều vụ việc giải quyết và xin ý kiến các cấp cao hơn. Nhiều trường hợp công nhận liệt sĩ hy sinh từ năm 1945, Bộ phải cử cán bộ đi thanh tra ở 3, 4 quân khu.

Bộ trưởng cho biết: “Trong những khó khăn trong giải quyết chính sách, thanh tra Bộ đã góp một tiếng nói có trọng lượng và niềm tin cho lãnh đạo Bộ. Những lúc khúc mắc nhất, cơ quan thanh tra và pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ nhiều nhất ý kiến quan trọng”.

Qua công tác thanh tra, ngành đã ngăn chặn nhiều tiêu cực trong thực hiện chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách tiền lương cho người lao động ở các tập đoàn và dự báo ngăn chặn tình trạng lãnh phí trong ngành.

Xứng đáng với sự tin tưởng

Thời gian qua, hoạt động thanh tra đã tăng cường hoạt động hiệu quả, có kỷ cương và kỷ luật. Đội ngũ thanh tra có chính kiến và biết tham mưu giúp lãnh đạo hình dung hết các khó khăn.

Trong việc xác định các nhiệm vụ chính thời gian tới, Bộ trưởng đồng ý với những định hướng của ngành đề ra. Bộ trưởng mong muốn thanh tra Bộ cần cố gắng thực hiện tốt câu nói của Bác Hồ đã dạy các bộ, nhân viên của ngành thanh tra, đó là: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới Thanh tra Bộ LĐ-TBXH năm 2021 - 4

Bộ trưởng trao các bằng khen tới tập thể, cán bộ thanh thanh tra ngành LĐ-TB&XH. (Ảnh: Giáp Tống)

Theo đó, bên cạnh việc xử lý vi phạm, công tác thanh tra cần sự nhìn xa, trông rộng và tham mưu cho lãnh đạo Bộ, qua đó góp phần “mở đường” để ngành phát triển.

Trong công việc cụ thể, Bộ đang triển khai xây dựng thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đại, qua đó đòi hỏi công tác dự báo cung cầu, nâng cao kỹ năng. Đồng hành với xu thế đó, cơ quan Thanh tra không thể đứng ngoài mà cần tìm tòi các vấn đề để hỗ trợ cùng phát triển.

Bên cạnh đó, vai trò “…bạn của dưới” cũng đòi hỏi thanh tra thể hiện sự lăn lộn vào nhân dân, để dân tin và gửi gắm với thanh tra, qua đó việc xử lý của thanh tra thấu tình đạt lý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao nhiệm vụ tới Thanh tra Bộ LĐ-TBXH năm 2021 - 5

Ảnh: Tiến Tuấn

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý 3 điểm chính cần thực hiện trong năm 2021.

“Ngành cần kết thúc xong việc rà soát hơn 320.000 hồ sơ hưởng chế độ do nhiễm chất độc màu da cam trong năm 2021. Đây là vấn đề có nhiều nhức nhối và nguy cơ trục lợi ở nhiều địa phương” - Bộ trưởng cho biết.

Vấn đề thanh tra việc chi đóng BHXH cũng còn đang nhức nhối. Hiện còn hơn 270.000 doanh nghiệp chưa đóng BHXH, trốn đóng BHXH, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Thanh tra Bộ cần triển khai quyết liệt để kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Đồng thời, lĩnh vực trẻ em cũng cần được chú trọng. Đặc biệt là tình hình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng tại gia đình và nhà trường.

Bộ trưởng lưu ý: “Thực tế cho thấy, hơn 50% đối tượng xâm hại trẻ em là người thân trong gia đình của trẻ. Đây còn là mảng tối. Vì vậy, ngành thanh tra cần có những quyết liệt hơn trong thực hiện làm thu hẹp những mảng tối này. Chúng ta cần đảm bảo phát triển kinh tế và hài hoà thực hiện có hiệu quả yếu tố công bằng xã hội”.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm gần đây, toàn ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện 36.031 cuộc thanh tra, ban hành 211.781 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện, 5.896 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 172 tỷ đồng, yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách nhà nước 492,8 tỷ đồng; tiếp 66.916 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 79.560 đơn thư, thời gian xử lý đơn thư giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; giải quyết 2.824 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền…