Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thái Nguyên

(Dân trí) - Sáng 19/7, tại Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã tới dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 và Nhà tưởng niệm 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong của Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thái Nguyên - 1

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB& tới thắp hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thái Nguyên

Cùng đi với đoàn có Phó chủ tịch Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Vũ Hồng Bắc và đại diện nhiều ban, ngành của tỉnh.

Tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 (xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đoàn công tác đã dâng hương và làm lễ tưởng niệm anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới; các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH tới thắp hương và tưởng niệm các liệt sĩ tại Thái Nguyên

Nơi này cách đây 72 năm, vào ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày thương binh, liệt sĩ. Đây cũng là bức thư đầu tiên của Bác Hồ muôn vàn kính yêu gửi tới anh, em thương bệnh binh trong toàn quốc.

Đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của các bậc thương binh, liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng có được sự hoà bình, ấm no như ngày nay là phần lớn nhờ vào công sức lớn của các thương binh, liệt sĩ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thái Nguyên - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7

“Những hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ là vô cùng to lớn. Điều này càng là động lực để cán bộ, nhân viên Ngành LĐ-TB&XH cần phải nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời bình” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã tới dâng hương và viếng anh linh các thanh niên xung phong tại Nhà tưởng niệm 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong của Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.

Nhà tưởng niệm còn nơi là ghi lại những thông tin về sự hy sinh của những thanh niên xung phong anh dũng. Theo đó, ngày 24/12/1972, 60 thanh niên xung phong của Đại đội 95, Đội 91 Bắc Thái đã hy sinh anh dũng tại khu vực ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, khi đang làm nhiệm vụ giải toả hàng hoá quân sự, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Những lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ

Tại khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã tham quan và ghi chép những lưu bút đầy ý nghĩa và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh liệt sĩ, trong đó có đoạn: “…Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to, đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu họ đắp thành một con đê cũng chắc để ngăn chặn nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào…Trong đó có người bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ…”.

P.M