Đồng Tháp:

Bỏ tôm, dọn ao nuôi chung cá heo đuôi đỏ với chạch lấu, cụ bà "trúng đậm"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bỏ tôm càng xanh, 3 năm nay bà Nguyễn Thị Hồng Vân (Đồng Tháp) chuyển sang nuôi kết hợp cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong ao đất. Mô hình này giúp bà đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

15 năm nuôi tôm càng xanh, nay lợi nhuận không còn như mong đợi, năm 2019 được chia sẻ từ người bạn, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (67 tuổi, ngụ tại xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) chuyển sang kết hợp nuôi cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong ao đất. 

Bỏ tôm, dọn ao nuôi chung cá heo đuôi đỏ với chạch lấu, cụ bà trúng đậm - 1

Tận dụng ao tôm càng xanh, bà Vân nuôi kết hợp cá heo đuôi đỏ và chạch lấu cho hiệu quả cao (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lãi cao nhờ nuôi cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong ao đất (Clip: Bảo Kỳ).

Với ao một ha, bà Vân thả 60kg cá heo đuôi đỏ giống và 5.000 con cá chạch lấu, sau một năm bà thu hoạch hơn một tấn cá thương phẩm, trong đó có 300kg cá heo đuôi đỏ, giá bán trên 300.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so với tôm càng xanh. Từ những hiệu quả trông thấy, bà mạnh dạn mở rộng thêm 2ha đất đào ao nuôi cá, gia tăng sản lượng. 

"Thông thường cá heo đuôi đỏ được nuôi trong lồng bè, cạnh khu vực có dòng chảy khi nuôi trong ao đất cần phải gắn quạt nước chạy liên tục. Mặt khác, nhờ diện tích ao nuôi lớn, có thể thả mật độ thưa nên cá lớn nhanh hơn, ít nhiễm bệnh", bà Vân cho hay. 

Bỏ tôm, dọn ao nuôi chung cá heo đuôi đỏ với chạch lấu, cụ bà trúng đậm - 2

Cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu nuôi khoảng 8 tháng đạt trọng lượng xuất bán thương phẩm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo nữ nông dân U70, cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu có cùng nguồn thức ăn nên dễ cộng sinh với nhau. Trước khi thả cá giống, bà dành khoảng một tháng  để phơi ao, rải vôi để diệt mầm bệnh xong mới lấy nước và thả con giống vào ao nuôi. Mỗi tuần cần vệ sinh, thay nước ao một lần nhằm hạn chế ký sinh trùng và tảo. 

"Thức ăn chính của cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu là cám công nghiệp. Giai đoạn cá nhỏ cho ăn 2 cữ/ngày, khi cá lớn giảm còn 1 cữ/ngày. Cá nuôi trong 8 tháng có thể xuất bán thương phẩm", bà Vân chia sẻ. 

Bỏ tôm, dọn ao nuôi chung cá heo đuôi đỏ với chạch lấu, cụ bà trúng đậm - 3

Nuôi trong ao đất giúp cá heo đuôi đỏ lớn nhanh, mật độ thả thưa hạn chế cạnh tranh nguồn thức ăn và giảm thiểu dịch bệnh (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhờ thâm niên nuôi trồng thủy sản nhiều năm, bà Vân dễ dàng chinh phục được 2 giống cá "khó tính". Đối với cá chạch lấu, bà nuôi đạt trọng lượng từ 0,5 đến 1kg/con, riêng cá heo đuôi đỏ mẫu 22-25 con/kg, loại nhỏ hơn cũng 40 con/kg. 

"Năm trước, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá cá chạch lấu có giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá đã tăng lên 350.000 đồng/kg. Còn cá heo đuôi đỏ vẫn giữ mức giá cao vì mặt hàng này luôn khan hiếm. Hiện cá heo thương phẩm dao động 370.000-500.000 đồng/kg, cá giống đẻ khoảng 750.000 đồng/kg, nhưng không đủ bán", bà Vân nói thêm. 

Hiện với 3ha ao nuôi mỗi năm, gia đình bà thu hoạch trên 3 tấn cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ thương phẩm, trừ hết chi phí lãi trên 100 triệu đồng.