Bỏ nghề giáo viên về "nghịch" phân bò, thu nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Thấy anh Tỉnh bỏ nghề giáo viên về quê "nghịch" phân nuôi giun, ai cũng tỏ ra hoài nghi. Thế nhưng, từ hai bàn tay trắng, chính phân bò đã đem về thu nhập cho anh mỗi năm nửa tỷ đồng.
4 năm vay lãi duy trì trang trại
Đang làm giáo viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, anh Phạm Văn Tỉnh (41 tuổi, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn) bất ngờ xin nghỉ việc, về quê làm nông nghiệp khiến cả làng xôn xao, gia đình thì bất ngờ và ra sức can ngăn.
Anh Tỉnh cho biết, chính quyết định táo bạo này như cú "quay xe" giúp anh có được cơ ngơi bạc tỷ như ngày hôm nay.
"Lúc bấy giờ công việc giảng dạy xa nhà không đảm bảo được cuộc sống, thu nhập rất thấp. Khi đọc báo thấy một mô hình nuôi giun quế đem lại thu nhập bạc tỷ mỗi năm, tôi đã quyết tâm về quê khởi nghiệp, thay đổi số phận. Biết tôi bỏ nghề giáo viên, bố mẹ bắt xe lên tận trường để động viên, can ngăn. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi giải thích thì bố mẹ cũng đồng ý và ủng hộ quyết định của con", anh Tỉnh nhớ lại.
Đầu năm 2008, anh rời bục giảng rồi khăn gói vào Nam học kinh nghiệm nuôi giun quế. Khoảng 3 tháng sau khi học thành thạo, anh về quê tận dụng lại mảnh vườn rộng 300m2 của gia đình, cắm sổ đỏ vay mượn ngân hàng được hơn 200 triệu đồng để xây chuồng trại và mua con giống.
Gần nhà có trang trại bò sữa quy mô lớn, anh đấu mối nhập nguồn phân bò về nuôi giun quế. Chỉ sau 5 tháng, sản phẩm giun quế và phân hữu cơ của anh đã thành công, có thể xuất bán. Nhưng đây cũng chính là thời điểm khó khăn nhất mà anh Tỉnh phải trải qua, sản phẩm giun quế làm ra không có thị trường tiêu thụ.
"Nuôi giun quế sẽ cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm, từ phân bò sẽ cho ra giun quế làm thức ăn cho cá, tôm, ngoài ra còn thu hoạch được phân hữu cơ để trồng rau sạch. Vì chưa có thị trường tiêu thụ nên tôi lỗ nặng. Lúc đó tôi áp lực vô cùng, bao nhiêu vốn liếng, tài sản đổ dồn vào đó nhưng không thu về được đồng nào. Khó khăn cứ thế kéo dài gần 4 năm, có thời điểm phải đi vay lãi để duy trì, nộp tiền ngân hàng", anh Tỉnh nhớ lại những thất bại ngày đầu.
Thất bại không làm thầy giáo trẻ nản lòng, anh đi khắp nơi để tìm kiếm thị trường. Cuối năm 2012, những nỗ lực của anh cũng được đền đáp, một số trang trại nuôi tôm và trồng rau hữu cơ bắt đầu tìm đến anh để đặt hàng.
Mỗi năm thu nửa tỷ đồng từ phân bò
Đến nay, sản phẩm giun quế và phân hữu cơ của anh Tỉnh đã "phủ sóng" toàn quốc. Hiện, quy mô trang trại của anh rộng khoảng 1.000m2. Theo anh Tỉnh, mỗi năm anh sản xuất 2 vụ giun quế. Hiện các sản phẩm từ giun quế ở trang trại anh rất đa dạng, gồm giun tươi, giun khô, phân hữu cơ.
Giá bán giun quế tươi 35.000-40.000 đồng/kg, giun khô 200.000-300.000 đồng/kg, thị trường là các trang trại chăn nuôi tôm, cá trên địa bàn toàn quốc. Sau khi thu hoạch giun quế, anh còn thu về sản phẩm phân hữu cơ để cung cấp cho các nhà vườn làm rau sạch, trồng cây xanh.
Ngoài ra, anh Tỉnh còn kết hợp lấy sản phẩm giun quế làm thức ăn, nuôi lươn không bùn, đồng thời liên kết nuôi giun, bao tiêu đầu ra cho 15 trang trại của người dân ở địa phương. Với chuỗi sản phẩm này, mỗi năm anh thu lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng.
Nói về thành quả sau nhiều năm nỗ lực của mình, anh Tỉnh vui vẻ cho biết đây là sản phẩm siêu lợi nhuận từ phân bò. "Nhiều người bảo làm cái nghề này là "nghịch" phân ra tiền, đúng là như vậy, tất cả các sản phẩm đều được làm ra từ phân bò. Không chỉ vậy, nó còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở vùng quê".
Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn cho biết, mô hình nuôi giun quế của gia đình anh Tỉnh là mô hình đầu tiên ở địa phương. Cũng từ mô hình này, hiện nay trên địa bàn có nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế tốt nhờ liên kết chăn nuôi với anh Tỉnh.
"Đây là gương điển hình về thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. Mô hình của gia đình anh Tỉnh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động ở địa phương. Hiện chúng tôi đang khuyến khích người dân học tập làm mô hình này để phát triển kinh tế. Ngoài ra, mô hình nuôi giun quế cũng đã có công lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đặc thù vùng quê, người dân chăn nuôi gia súc nhiều", ông Kiên cho biết thêm.