Bộ LĐ-TB&XH: Bãi bỏ 54 văn bản về lao động, tiền lương và việc làm
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân vừa ký ban hành Quyết định 1351/QĐ-LĐTBXH với nội dung bãi bỏ 54 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm.
Các văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ, chủ yếu được ban hành trong giai đoạn năm 1960 - 2013. Lý do bãi bỏ hoàn toàn vì các văn bản này không còn áp dụng, thay vào đó là các văn bản mới quy định cụ thể hơn.
Đây là việc nhằm chuẩn hóa hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành lao động việc làm.
Trong số 54 văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ, văn bản có “tuổi đời” lâu nhất là Thông tư số 19/LĐ-TT, hướng dẫn thi hành chế độ tiền lương ngày trong khu vực sản xuất. Thông tư được ban hành ngày 30/7/1960.
Văn bản có “tuổi đời” thấp nhất là Thông tư 33/2013/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Thông tư được ban hành ngày 16/12/2013.
Một số văn bản khác được Bộ LĐ-TB&XH bãi bỏ như:
Thông tư 25/2011/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 26/9/2011, hướng dẫn xếp lương đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc trong các doanh nghiệp.
Thông tư 20/2012/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 27/8/2012, sửa đổi một số điều của Thông tư số 25/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2011 hướng dẫn xếp lương đối với người lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc trong các doanh nghiệp
Quyết định 708/1999/QĐ-BLĐTBXH ban hành ngày 15/6/1999 quy định mức lương tối thiểu và tiền lương của lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Quyết định 861/2000/QĐ-BLĐTBXH ban hành ngày 29/8/2000, công bố mức tiền lương bình quân chung năm 2000 của các doanh nghiệp Nhà nước được giao đơn giá tiền lương….
Quyết định 1351/QĐ-LĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 21/9/2015 và bãi bỏ Quyết định số 764/QĐ-LĐTBXH ngày 3/6/2015 của Bộ LĐ-TB&XH về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
Hoàng Mạnh