Bỏ học theo 'cò' đi làm chui

Hàng trăm thiếu niên trong các buôn làng Tây Nguyên gần đây đã bỏ học, theo lời dụ dỗ của các tay “cò” lao động xuống đồng bằng làm công nhân bất hợp pháp tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất tư nhân ở các tỉnh thành phía Nam.

Các em đi lao động ở TPHCM trở về.

Các em đi lao động ở TPHCM trở về.


Không chỉ bị bóc lột sức lao động, nhiều em còn bị ngược đãi, xâm hại tình dục và mất tích.

Tuyển lao động nhí vì công rẻ

Mấy năm gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở TPHCM, Bình Dương... thuê cò lao động đến tận các buôn làng Tây Nguyên dụ dỗ trẻ em bỏ học, đi làm thuê trái pháp luật. Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, năm 2014, toàn tỉnh có 266 em bỏ học đi làm xa. Còn từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 137 em từ 9 - 16 tuổi bỏ học đi làm ở TPHCM.

Đầu tháng 4, ông Hai, người dân tộc Xê Đăng, trú buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk hớt hải đến phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk báo con trai của ông là A Yua Ngên, 12 tuổi đang học lớp 6 bỗng dưng bỏ học theo bạn xuống TPHCM làm việc, giờ không biết làm sao để đưa con về.

 “A Yua học giỏi lắm, năm nào cũng được giấy khen. Lúc cháu đi, vợ chồng tôi đang ở rẫy nên không biết, ít ngày sau A Yua gọi điện về khóc lóc, mỗi ngày phải làm việc 12 - 13 tiếng, rất vất vả, muốn về nhưng chủ dọa phải hết hợp đồng mới được nhận lương, nếu bỏ làm bây giờ sẽ bị phạt tiền nên cháu không thể về được”, ông Hai nói.

Trong 5 tháng đầu năm 2015, huyện Krông Pắk có gần 60 em học sinh tiểu học và trung học cơ sở bỏ học đi làm, riêng xã Ea Yiêng có 33 em.

Tại huyện Lắk, nhiều em đang học tiểu học, trung học cơ sở cũng bị dụ dỗ bỏ học đi làm ngoại tỉnh. Đang học lớp 4, trường tiểu học Y Jút, H’Linh Triêk, 13 tuổi, buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao, huyện Lắk nghe lời dụ dỗ bỏ học đi làm. “Amí Hun đưa bọn em xuống quận Tân Bình, TPHCM, rồi chia mỗi người một nẻo, nơi em ở có 7 người con trai, 3 con gái. Từ khi đến chỗ làm em không được ra ngoài, rất sợ, khóc mấy ngày đêm vì nghĩ mình bị bắt cóc rồi”.

Ông Lê Đình Nhi, Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Lắk cho biết: 2 năm qua, một số môi giới từ huyện khác đến địa bàn dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện có 59 em đi lao động ngoại tỉnh, chủ yếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị môi giới dụ dỗ thuộc 2 xã Yang Tao và Bông Krang. Nhờ sự phối hợp giữa Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng, đến nay 25 em đã về.

“Cò” mò về tận buôn

Lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết pháp luật và cuộc sống khó khăn của những gia đình vùng sâu, bọn cò lao động đã lôi kéo hàng trăm trẻ em nghỉ học đi làm bất hợp pháp.

Bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em - Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Việc tuyển dụng lao động tại các địa phương của tỉnh phần lớn là thông qua môi giới là người dân tộc tại chỗ ở huyện Cư Kuin được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê tuyển lao động trẻ em vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh.

Do cũng là người dân tộc tại chỗ nên đám cò này dễ lấy được lòng tin của học sinh và phụ huynh. Tuyển được lao động, cò đưa các em xuống tận nơi làm việc, nhận tiền công của chủ doanh nghiệp từ 1 - 1,5 triệu đồng/em. Năm 2014, Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện hơn 20 cò lao động, đã buộc họ viết cam kết không tái phạm, nhưng vì lợi ích cá nhân, đám cò vẫn lén lút hành nghề.
Bỏ học theo 'cò' đi làm chui - ảnh 1 Hình ảnh Huệ khi còn đi học.
Bỏ học theo 'cò' đi làm chui - ảnh 1 Hình ảnh Huệ khi còn đi học.
Đầu năm 2015, một “bà cò” tên Amí Hun, dân tộc Êđê ở huyện Cư Kuin đến buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao, huyện Lắk dụ tới 7 học sinh tuổi 12 - 14 nghỉ học đi làm. Trở về từ một cơ sở sản xuất hàng may mặc ở TPHCM, Y Hưng Du 15 tuổi (buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao) kể: “Amí Hun nói cần tuyển lao động từ 10 - 15 tuổi, mức lương tùy thuộc vào công việc, xếp quần áo lương tháng 1,5 triệu đồng/tháng, may thì 2,5- 3,5 triệu đồng/tháng. Em làm việc 3 ca, sáng từ 7h-11h, chiều 1h-19h, đêm 20h-0h. Làm việc hơn 1 tháng, khi em về, chủ chỉ đưa cho 400 nghìn đồng”.

Bà H’Bluôl Triêk, buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao, huyện Lắk có 5 người con, con trai Y Ciêu 17 tuổi đi làm ở TPHCM đã 3 năm, nhưng bà không biết con làm việc tại đâu. Sau Tết Ất Mùi, con trai thứ 3 là Y Quil 14 tuổi cũng bị Amí Hun dỗ đi làm, cơ quan chức năng phải đưa về cách đây hơn 1 tháng. “Gia đình không muốn các con đi làm xa, nhưng nghe nói làm có lương thì các cháu thích nên không ngăn cản được”, bà H’Bluôl nói.

Nguy hiểm rình rập

Tình trạng trẻ em đi lao động ngoại tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị bắt cóc hoặc sa vào các đường dây mua bán ma túy, buôn bán trẻ em, bị xâm hại tình dục hoặc ép buộc lao động cưỡng bức.

Em Nguyễn Thị Huệ, 15 tuổi, thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk sau khi nghỉ học đi làm đã mất tích gần 1 năm nay. Nhắc đến Huệ, bà Nguyễn Thị Chuẩn 65 tuổi, bà nội của Huệ không cầm được nước mắt: Hoàn cảnh gia đình Huệ đặc biệt khó khăn. Mẹ bỏ đi khi Huệ học lớp 1, bố sức khỏe yếu nuôi 2 chị em ăn học.

Học xong lớp 9, nhận giấy khen, chia tay thầy cô, bạn bè, ngày 1/7/2014 Huệ cùng 2 người em họ xuống một khu công nghiệp ở Bình Dương xin việc làm. Do chưa đủ tuổi, Huệ không thể xin vào công ty làm việc mà làm ngoài tư nhân. Cuối tháng 8/2014 gia đình bàng hoàng khi nhận được tin Huệ mất tích.

Chị Nguyễn Thị Nhung, em họ ở cùng phòng với Huệ kể, trong lúc mình Huệ ở nhà thì một người phụ nữ đến chơi rồi rủ Huệ đi Tây Ninh. Đến nơi, Huệ điện thoại báo cho em biết đang ở Tây Ninh nhưng không biết địa chỉ. Từ đó đến nay đã gần 1 năm, gia đình tìm kiếm khắp nơi nhưng Huệ vẫn bặt vô âm tín. Tuy mới 15 tuổi nhưng cháu Huệ rất phổng phao, xinh xắn, 9 năm liền Huệ đạt danh hiệu học sinh khá giỏi.

Ông Y Sa Phôn Niê Krơng, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Đắk Lắk cho biết: Sở LĐTB&XH Đắk Lắk đang chỉ đạo các phòng trực thuộc, cùng hơn 2.000 cộng tác viên Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em ở các thôn, buôn phối hợp với các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh để kiểm tra, rà soát, tổng hợp số trẻ em bỏ học đi lao động xa nhà.

Sau đó, Sở đã có Công văn số 630 ngày 15/4/2015 gửi Sở LĐTB&XH TPHCM đề nghị kiểm tra, xác minh và phối hợp giải quyết thực trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trên địa bàn. Ngày 16 và 17/5, đoàn công tác của Sở xuống TPHCM nắm bắt tình hình đời sống, điều kiện ăn ở, việc làm của lao động trẻ em để có giải pháp bảo vệ các cháu.

Mở tủ lấy bọc giấy khen của con gái, anh Nguyễn Văn Toàn, bố của Huệ nghẹn ngào. “Con gái tôi học rất giỏi, nhưng vì nhà nghèo phải nghỉ học để phụ bố lo cho em. Cháu đi làm chưa được bao lâu thì mất tích, tôi nhờ người thân quen tìm kiếm khắp nơi, giờ chỉ mong vào cơ quan chức năng tìm thấy cháu”.
Theo Báo Tiền phong