Hà Nam:
Bỏ cấy lúa sang trồng sen, người dân thu lãi cả trăm triệu đồng
(Dân trí) - Từ khu vực đồng trũng, đất chua cấy lúa kém hiệu quả, người dân xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) đã chuyển từ trồng lúa sang trồng sen cho hiệu quả bất ngờ.
Nằm cách thành phố Phủ Lý gần 30km về phía Bắc, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, Hà Nam, được sông Hồng ban tặng những dải phù sa màu mỡ, nơi đây được nhiều người biết đến với nghề ươm tơ tằm lâu đời.
Ngày nay, Chuyên Ngoại được biết đến là một trong những địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất tỉnh Hà Nam, với hơn 40 ha.
Trước đây tại xã Chuyên Ngoại, cây sen chỉ được trồng ở các ao, hồ. Tới thì nay nhiều hộ dân trong xã đã đưa cây sen vào trồng trên các cánh đồng trũng, đất chua cấy lúa kém hiệu quả, như: Đồng Chuôn, Sao Sa, Thế Tường, Bắc sáu mươi và Nam sáu mươi với tổng diện tích khoảng hơn 40 ha.
Diện tích này trước kia thường trồng lúa nhưng năng suất đạt thấp, bấp bênh do thường xuyên bị ngập úng, chất đất chua phèn, khó cải tạo
Ông Lương Văn Vang, thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng hơn 4 ha sen trên cánh đồng Chuôn. Trước đây, xứ đồng Chuôn là vùng trũng, chất đất chua phèn, cấy được một vụ lúa bấp bênh, nên người dân không mấy mặn mà. Khoảng 5 năm về trước khu đất này còn bị bỏ hoang, do cấy lúa không hiệu quả nên chúng tôi chuyển sang trồng sen".
Năm nay mưa ít, nên sản lượng cũng kém, lại vướng dịch Covid-19 nên nguồn tiêu thụ chậm và rẻ hơn so năm ngoái. Nhưng nếu so hiệu quả, nguồn thu từ cây lúa vẫn thấp hơn cây sen.
Ông Trần Văn Quang ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại cho biết: “Sau khi thu hoạch sen, các hộ lại tận dụng thả cá, tôm trên chính diện tích trồng sen. Hiện nay, bình quân mỗi héc ta sen cho thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so các cây trồng khác”.
Theo người trồng sen, từ đầu tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là thời vụ chính để thu hoạch sen hạt ở nơi đây. Người trồng sen phải thức dậy sớm từ khoảng 5 giờ sáng để đi hái bát sen tránh thời tiết nắng nóng.
Trồng sen phải chăm tối, chăm sớm, nếu sớm quá thì cũng không nhìn thấy bát để bẻ, nhưng nếu muộn quá tầm 9 giờ sáng thì lại nắng quá cũng không làm được vì nắng nóng.
“Cả xã tôi đã chuyển hết diện tích lúa sang trồng sen. Nhà tôi cũng trồng từ năm năm nay. Trồng sen, cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm như cây lúa. Song quan trọng nhất là phải giữ được mức nước thường xuyên và bón phân đúng thời vụ”, bà Thu một người dân trồng sen cho biết.
Trồng sen cho giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa, lại ít phải chăm bón. Thị trường tiêu thụ cũng rất thuận lợi, thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tự tìm đến tận đầm để lấy hạt sen.
Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở Hà Nam đã chọn những vùng đất trũng để trồng sen kết hợp thả cá, nuôi tôm thay vì chuyên canh trồng lúa.
Sen Hà Nam được đánh giá là bùi, bở, có màu trắng ngà. Nghề trồng sen cũng không công phu lắm, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thị trường. Sen được trồng và thu hoạch bằng thủ công hết. Vì vậy đây là sản phẩm sạch nhất, không hề có một chút hóa chất nào.
Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên cho biết: “Việc chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất kém hiệu quả của xã sang trồng cây sen là hướng đi phù hợp thổ nhưỡng của đồng đất. Điều này mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân là kết hợp trồng sen thả cá mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân".
Được biết, địa phương cũng đang xây dựng để có một thương hiệu riêng về sản phẩm sen này.
Đức Văn