Bí quyết kiếm 4 tỷ đồng mỗi năm từ phân bò của thanh niên Bến Tre
(Dân trí) - Mỗi tháng anh Hậu thu mua hơn 20 tấn phân bò, chế biến thành 50 tấn phân vi sinh, bán 350 triệu đồng. Không chỉ thu lãi lớn, anh Hậu còn giúp nhiều lao động có thu nhập khá.
Anh Trần Phúc Hậu (34 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phước, Bình Đại, Bến Tre) hiện đang là chủ một cơ sở sản xuất phân vi sinh ở địa phương. Các sản phẩm của anh Hậu phục vụ trong ngành chăn nuôi tôm, thị trường tiêu thụ là các vùng nuôi tôm ven biển Tây Nam Bộ.
Anh Hậu cho biết, trước đây gia đình anh nuôi 3 ha tôm theo hình thức thâm canh mật độ cao. Vụ tôm năm 2014 - 2015, hầu hết các ao tôm trong vùng đều chết do dịch, nhiều nông dân mất trắng vốn đầu tư, gia đình anh Hậu cũng không ngoại lệ.
Nhận thấy nuôi tôm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp và hóa chất có rủi ro cao, đất nhanh thoái hóa nên anh Hậu đã trăn trở, suy nghĩ tìm hướng sản xuất mới.
"Tôi đọc sách báo, xem tivi thấy có cách sản xuất nông nghiệp bằng phân vi sinh, đầu tư ít, hiệu quả, an toàn mà giúp đất ngày càng màu mỡ. Từ đó tôi đã cố gắng nghiên cứu ra loại phân vi sinh phù hợp với việc nuôi tôm. Công việc ban đầu rất khó khăn, hơn 3 năm liền thất bại, hết vốn, sản phẩm bán không ai mua nhưng tôi không từ bỏ, dần dần mới bắt đầu hái được quả ngọt", anh Hậu nhớ lại.
Từ các nguyên liệu là bã mía, phân bò, vụn xơ dừa có sẵn trong vùng, anh Hậu xay nhỏ, phối trộn theo tỷ lệ nhất định, cấy các loại men vi sinh có lợi và ủ nuôi để tạo ra sản phẩm phân hữu cơ. Anh Hậu thử nghiệm sản phẩm mới trên chính vuông tôm nhà mình và liên tục điều chỉnh công thức phối trộn để cho ra sản phẩm chất lượng nhất.
Phân vi sinh của anh Hậu khi bón xuống vừa tốt cho đất, vừa làm trong nước, vừa tạo nên nguồn thức ăn sạch cho tôm. Theo anh Hậu, khi bón phân vi sinh, ao nuôi sẽ an toàn, con tôm khỏe, ít bệnh, nhanh lớn và chi phí nuôi chỉ bằng 2/3 so với dùng phân hóa học.
"Có sản phẩm là một chuyện, bán được lại là chuyện khó hơn nhiều. Tôi cho người dân tham quan ao tôm của mình nhưng hầu hết vẫn nghi ngại, thậm chí cho không phân để bón thử mà có người cũng không lấy.
Hơn 3 năm ròng, thử nghiệm, cải tiến sản phẩm, đi tư vấn thuyết phục nông dân dùng, tiền cứ vay rồi lại vay, khó khăn đủ đường. Nếu không quyết tâm, kiên trì thì chắc tôi từ bỏ lâu rồi", anh Hậu kể.
Thuyết phục người nuôi tôm thâm canh không được, anh Hậu quay sang thuyết phục người nuôi tôm quảng canh, sau 3 năm dần dần cũng có người chấp nhận dùng thử. Càng dùng càng hiệu quả nên người này đồn người kia, sản phẩm ngày càng dễ bán, anh Hậu phải thuê thêm người sản xuất.
Hiện cơ sở của anh Hậu đang có 8 người làm thường xuyên với mức thu nhập 7 triệu đồng một người mỗi tháng. Bình quân một tháng anh Hậu nhập về khoảng 20 tấn phân bò và khoảng 5 tấn vụn dừa, bã mía.
Cứ mỗi tấn nguyên liệu, anh Hậu lại cho ra 2 tấn phân bón. Mỗi tháng bán sản phẩm, anh Hậu thu về trên 350 triệu đồng, trừ chi phí vẫn có lãi hàng chục triệu đồng. Anh Hậu đang nghiên cứu để sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhiều yêu cầu khác biệt của người nuôi.
Ông Võ Bằng Trúc - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết, cơ sở sản xuất phân vi sinh của anh Hậu đã có đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, tạo ra một giải pháp hiệu quả cải tạo đất đai bạc màu. Mô hình kinh tế hiệu quả của anh Hậu đã động viên, thúc đẩy thanh niên địa phương mạnh dạn khởi nghiệp, từ đó tạo nên làn sóng phát triển kinh tế mới.
"Không chỉ giúp nhiều thanh niên thất nghiệp có công ăn việc làm gần nhà với mức thu nhập khá, anh Hậu còn trở thành hình mẫu cho nhiều thanh niên học hỏi, động viên nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp, nhờ đó tạo nên làn sóng làm kinh tế ở xã, đưa đời sống bà con đi lên.
Địa phương rất ủng hộ, khuyến khích cơ sở của anh Hậu mở rộng quy mô và nghiên cứu thêm những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu nuôi trồng đa dạng của người dân", ông Trúc nói.