Bị phạt tới 150 triệu đồng nếu VPHC trong lĩnh vực dạy nghề
Nghị định số 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Nghị định trên quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi. Theo đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: tẩy, xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập; gian lận, giả mạo giấy tờ, tài liệu để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp bị phạt theo các mức sau: từ 5 - 10 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; từ 10 - 20 triệu đồng đối với trường trung cấp; từ 20 - 30 triệu đồng đối với trường cao đẳng.
Hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp bị phạt theo các mức sau: từ 40 - 60 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; từ 60 - 80 triệu đồng đối với trường trung cấp; từ 80 - 100 triệu đồng đối với trường cao đẳng.
Hành vi không dạy đủ số giờ học theo quy định của chương trình đào tạo của một môn học hoặc mô-đun bị phạt từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Bên cạnh đó, tổ chức không xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên, giảng viên theo quy định; không sử dụng hoặc sử dụng không đúng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Nếu không thực hiện đúng quy định về quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.
Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng hoặc đình chỉ hoạt động đào tạo từ 6 - 12 tháng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đúng thời gian đào tạo hoặc hình thức đào tạo đối với chương trình giáo dục nghề nghiệp với nước ngoài.
Xử phạt vi phạm về liên thông, liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định xử phạt vi phạm quy định về liên thông, liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo các mức phạt sau đây: Từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo liên thông không đủ các điều kiện theo quy định; từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo liên thông các ngành nghề hoặc trình độ đào tạo khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, hành vi sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài mà chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng; không thông tin hoặc thông tin không đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở liên kết về chương trình liên kết đào tạo, đối tác liên kết, địa điểm tổ chức đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, mức thu học phí, kinh phí đào tạo và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết bị phạt tiền từ từ 5 - 10 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nước ngoài mà chưa được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng; liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đào tạo được phép hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; liên kết đào tạo mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; liên kết đào tạo mà không bảo đảm điều kiện về phòng học, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đội ngũ giáo viên, giảng viên theo quy định; liên kết đào tạo mà không ký kết hợp đồng liên kết đào tạo hoặc ký kết hợp đồng liên kết đào tạo sau khi đã tổ chức đào tạo; liên kết đào tạo với tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp lý để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo Chinhphu.vn