Bị ốm đau vào ngày nghỉ hàng tuần có được hưởng bảo hiểm xã hội?

Ông Nguyễn Văn Nam (tỉnh Bắc Giang) hỏi ông đã phẫu thuật, 6 ngày điều trị ngoại trú. Khi ông Nam nộp giấy đề nghị thanh toán BHXH thì công ty trả lời ngày thứ 7 và Chủ nhật không được BHXH thanh toán.

Ông Nguyễn Văn Nam (tỉnh Bắc Giang) làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, có đóng BHXH, BHYT. Ngày 24/12/2019 ông nghỉ 7 ngày đi chữa bệnh, trong đó ngày 24/12/2019 ông phẫu thuật, 6 ngày tiếp theo điều trị ngoại trú.

Khi ông Nam nộp giấy đề nghị thanh toán BHXH thì công ty trả lời ngày thứ 7 và Chủ nhật không được BHXH thanh toán.

Do tính chất công việc nên công ty ông Nam làm việc 6 ngày/tuần, không được nghỉ ngày thứ 7, Chủ nhật, luân phiên nhau nghỉ vào các ngày thường trong tháng, mỗi tháng được nghỉ 1 ngày, hiện ông được nghỉ vào ngày thứ 6.

Bị ốm đau vào ngày nghỉ hàng tuần có được hưởng bảo hiểm xã hội? - 1

Ông Nam hỏi, công ty trả lời như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Tại Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Tại Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH quy định: Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau thông thường trong 1 năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Tại Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB) ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN hướng dẫn cụ thể đơn vị sử dụng lao động ghi ngày nghỉ hàng tuần của người lao động không rơi vào ngày nghỉ hàng tuần theo quy định chung (ngày thứ Bảy và Chủ nhật) thì cần ghi rõ. Ví dụ: Ngày nghỉ hàng tuần vào ngày thứ Hai, thứ Năm hoặc Chủ nhật thì ghi: T2, T5 hoặc CN.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của ông Nam, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ốm đau do đơn vị sử dụng lao động nộp để giải quyết chế độ ốm đau đối với ông. Ông không được chi trả tiền trợ cấp ốm đau đối với thời gian nghỉ ốm đau trùng với ngày nghỉ hàng tuần (trừ trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành).

Tại Điều 110 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về ngày nghỉ hàng tuần như sau: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc 1 ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Tại Điều 119, Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nội quy lao động bao gồm nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp một số thông tin để ông tham khảo và có ý kiến với công ty của ông cần căn cứ vào quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện đảm bảo quyền lợi đối với người lao động.

Theo Chinhphu.vn